Là một trong những địa phương có vốn di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng, Đồng Nai có nhiều nghệ nhân giỏi trong việc truyền dạy, thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Đây được xem là lợi thế khơi nguồn, phát triển công nghiệp văn hóa.
Ngày hội Khinh khí cầu huyện Nhơn Trạch năm 2024. Ảnh: L.Na
Đặc biệt, thời gian qua, Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa lớn, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.
Đánh thức giá trị truyền thống
Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế thành trung tâm lớn của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước, Đồng Nai còn chú trọng lĩnh vực văn hóa. Với 71 di tích xếp hạng, hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông và các di sản văn hóa phi vật thể…, Đồng Nai có nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp văn hóa lớn, tạo thương hiệu riêng có của vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển.
Mặc dù đã khép lại từ nhiều tháng qua, song những ấn tượng từ Lễ hội Chùa Ông (phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) và các Lễ hội Sayangva của đồng bào Chơro tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn đọng lại trong lòng người tham gia thông qua những nghi thức dân gian được tái hiện. Trong đó, Lễ hội Sayangva đang được ngành văn hóa trình hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Đồng Nai, tiến sĩ Nguyễn Văn Quyết cho biết, lễ hội càng độc đáo, càng đặc sắc thì càng hấp dẫn. Các lễ hội truyền thống ở Đồng Nai với những giá trị và bản sắc, câu chuyện, thông điệp riêng chính là nguồn lực để trở thành một sản phẩm hấp dẫn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa hiện nay.
Mới đây nhất, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho nghệ nhân Đinh Thị Thanh Loan (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) ở lĩnh vực thực hành và truyền dạy bóng rỗi - địa nàng. Nghệ nhân Thanh Loan đã có hơn 40 năm thực hành, truyền dạy loại hình diễn xướng dân gian độc đáo bóng rỗi - nghi thức múa hát trong dịp lễ hội tại các đình, miếu, đặc biệt thường gắn với các dịp cúng Bà (bà chúa Xứ, bà Hỏa, Ngũ Hành nương nương…).
Hay trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật của Đồng Nai đã sử dụng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể để sáng tạo ra sản phẩm mới phù hợp với đời sống đương đại, hấp dẫn người xem. Có thể kể đến như các chương trình biểu diễn đờn ca tài tử, múa rối nước, rối cạn… Dưới bàn tay, khối óc sáng tạo của con người, di sản văn hóa đang ngày càng được bảo tồn và phát huy giá trị đúng cách.
“Phép thử” từ những sáng tạo
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách tham gia. Trong đó phải kể đến Ngày hội Khinh khí cầu huyện Nhơn Trạch; Đêm nhạc EDM sôi động và bắn pháo sáng nghệ thuật tại thành phố Biên Hòa; các tuần lễ văn hóa, hội sách tại thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ tổ chức một chuỗi các hoạt động như: Festival Sách Biên Hòa 2024, Đường hoa Nguyễn Văn Trị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đồng thời xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai, kết nối tuyến phố đi bộ Nguyễn Văn Trị đến cổng chào huyện Vĩnh Cửu; xây dựng không gian văn hóa ẩm thực Biên Hòa tại tuyến đường Phan Trung… Các hoạt động được kỳ vọng góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
“Việc đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua được thành phố Biên Hòa chú trọng. Bên cạnh xây dựng các sân chơi, các sự kiện văn hóa tại các công viên, thành phố đã có các cơ chế, chính sách mở để khuyến khích cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đa dạng các sản phẩm du lịch. Trong đó có các doanh nghiệp đầu tư các khu du lịch Sơn Tiên, Bửu Long; nâng chất cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố” - ông Thanh chia sẻ.
Để tăng sức hút điểm đến Biên Hòa - Đồng Nai, tại nhiều di tích đã được ngành văn hóa ứng dụng công nghệ số, thực hiện các tour tham quan thực tế ảo Văn miếu Trấn Biên, Mộ cự thạch Hàng Gòn, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh; tour đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cát Tiên và bảo vật quốc gia.
Ở lĩnh vực ẩm thực, Đồng Nai ghi tên lên bản đồ ẩm thực trong và ngoài nước. Bản đồ ẩm thực ghi nhận các món nổi tiếng như: gỏi bưởi Biên Hòa, chả đùm sen, gỏi chôm chôm, xôi chiên phồng, tép um cuốn rau rừng, gà hấp trái bưởi, gỏi chôm chôm…
Với nhiều cơ chế, chính sách đã mở, các nguồn lực được khơi thông cùng với những sáng tạo mới…, việc phát huy thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa ở Đồng Nai đã và đang dần khởi sắc. Qua đó, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29-8-2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm đến năm 2030 đối với một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, du lịch văn hóa... |
Ly Na