Hội hoa Xuân Đà Nẵng 2010 với chủ đề “Tết xưa - Tết nay” đã chính thức khai mạc ngày 12/2/2010 tại công viên 29-3 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 20/2/2010 (tức mùng 7 Tết).
Nét mới của Hội hoa Xuân năm 2010 ở Đà Nẵng là không gian văn hóa đặc trưng các dân tộc Kinh, Cơtu và Chăm được thể hiện ở từng khu riêng biệt.
Khu không gian văn hóa dân tộc Kinh mang đến cho người xem những lễ hội truyền thống như hội trống mùa xuân, múa lân, long lân quần hội, hội bài chòi, khu ẩm thực với các món ăn truyền thống và bán hàng lưu niệm...
Không gian văn hóa dân tộc Chăm được tái hiện sinh động với những mô hình tháp Chăm, múa hát, nghề dệt, biểu diễn nặn gốm và triển lãm gốm Chăm, các tiểu cảnh mô phỏng cuộc sống sinh hoạt của dân tộc Chăm...
Nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Cơtu được thể hiện qua mô hình nhà sàn, các sinh hoạt trong nhà sàn cùng với cây nêu ngày Tết và các điệu múa “Tung tung Da dá,” cồng chiêng, triển lãm ảnh và các dụng cụ sinh hoạt của dân tộc Cơtu...
Cùng với các hoạt động thường xuyên diễn ra cả ngày lẫn đêm, Ban tổ chức còn hướng đến chủ đề vui Xuân không quên người nghèo khó với chương trình “Xuân yêu thương,” tặng quà cho 174 hộ đồng bào Cơtu ở 2 thôn Tà Lang và Giàn.
Tại thành phố Huế, Hội Hoa Xuân Canh Dần được tổ chức tại các địa điểm Công viên Thương Bạc, Phu Văn Lâu và đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên bờ sông Hương, kéo dài từ 12-18/2/2010 (tức đến hết mùng 5 Tết).
Tại đây, khách tham quan sẽ được thưởng ngoạn hàng trăm loại hoa lá, đá cảnh, non bộ, thư pháp chạm trên gỗ, cây thế đặc sắc của một số đơn vị Hội sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh và các nghệ nhân đến tham gia trưng bày. Đặc biệt, công viên Thương Bạc sẽ trưng bày nhà trường lan, các thảm hoa nghệ thuật đại diện cho 3 miền, gánh hàng hoa, thuyền hoa, ký ức làng quê...
Cùng với Hội hoa Xuân, phòng Văn hóa và Thông tin thành phố sẽ tổ chức trò chơi dân gian, các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ như biểu diễn ca nhạc, vật võ, cờ tướng và các môn thể thao dân tộc truyền thống khác tại Công viên Thương Bạc.