“Ngày hội non sông trên đất Tổ” hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Cập nhật: 27/02/2010
Dự kiến, bức tranh gốm màu mang chủ đề “Ngày hội non sông trên đất Tổ” đặt tại quảng trường trung tâm Lễ hội của Khu di tích Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) sẽ được khánh thành vào đúng dịp diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đây không phải là một bức tranh gốm bình thường mà là một bức phù điêu gốm cỡ lớn, độc nhất vô nhị với các kỹ thuật làm men gốm tinh xảo.

Được biết, ý tưởng xây dựng bức tranh gốm này đã hình thành cách đây 12 năm nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm (2008 – 2009) làm việc liên tục, các nghệ nhân cơ bản đã hoàn thành bức tranh “Ngày hội non sông trên đất Tổ”.

Bức tranh này dài 72m, cao 9,9m, ở hai đầu bức tranh có hai bức phù điêu bằng đá dài 7,5m cao 8m. Bức tranh phác họa sinh động nhiều nội dung, điển hình như:

Một góc của bức tranh gốm “Ngày hội non sông trên đất Tổ”

Tại trung tâm của bức tranh có biểu tượng mặt trời. Biểu tượng này nằm ở giữa vòng bán nguyệt với bố cục bên tả là Rồng, bên hữu là Phượng. Đó là hình tượng trong Tứ linh Long - Ly - Quy - Phụng, đồng thời là biểu tượng của nòi giống con Rồng cháu Tiên.

Phía dưới vòng bán nguyệt gợi mở như một trang sách truyền thống. Trên trang sách đó là hình tượng nhân dân các dân tộc trên cả nước quy tụ về đất Tổ làm lễ dâng hương. Ngay phía dưới biểu tượng mặt trời, ở giữa trang sách, nổi bật lên là sáu cô gái xếp hàng đôi, người đội, người bê các mâm lễ vật bánh chưng, bánh dày – những lễ vật đặc trưng nhất trong ngày Giỗ Tổ, dâng lên các vua Hùng.

Xuyên suốt bức tranh là hình tượng quả trứng dựa theo truyền thuyết “Trăm trứng nở trăm con” của Mẹ Âu Cơ. Trong các quả trứng thể hiện bố cục các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: “Rước kiệu đền Hùng”, “Rước Lúa thần”, “Rước cháu Gái”, “Hội phết”. Mở đầu từ bên trái bức tranh là hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ với đàn con đang hăng say lao động, dù là trên rừng hay dưới biển đều sống trong tình đoàn kết thương yêu, tạo nên một đất nước thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc.

Kết thúc là hình tượng biểu trưng tỉnh Phú Thọ đang chuyển mình: văn minh, hiện đại, giàu đẹp cả hôm nay và mai sau. Xen kẽ là các lễ hội truyền thống của tỉnh như: bơi thuyền, đánh đu, đánh trống, đâm đuống, kéo co, hát xoan…

Hàng năm, cứ vào đầu tháng 3 âm lịch, tỉnh Phú Thọ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đến Hùng. Theo kế hoạch, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đến Hùng năm nay sẽ được tổ chức trong 10 ngày, từ 14 đến 23/4/2010 (tức từ mồng 1 đến 10/3 âm lịch) tại Khu di tích Đền Hùng và vùng phụ cận với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, trong đó điểm nhấn là Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào ngày 23/4/2010 tại Điện Kính Thiên trên núi Nghĩa Lĩnh. 


                                                                                                Thanh Hải biên tập
TITC