Vừa qua, lễ cung nghing phiên bản bức tranh cổ "Thác Kiến Quán Thế Âm" do đoàn nhà sư của chùa Jomyo (thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản) trao tặng, đã được tổ chức trang nghiêm theo nghi lễ thỉnh Phật tại ngôi chùa cổ Tam Thai trên ngọn Thuỷ Sơn (thuộc khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Đây là hoạt động văn hóa nhằm thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị, là sự tiếp nối và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản từ lâu đời, đặc biệt là nhân duyên giữa chùa Jomyo và chùa Tam Thai.
Sự giao lưu văn hóa Đà Nẵng - Nhật Bản đã hình thành từ cách đây hơn 400 năm
Theo một số tư liệu lịch sử, ngay từ đầu thế kỷ 17, đã có nhiều thương thuyền Nhật Bản cập bến làm ăn buôn bán tại Hội An (Quảng Nam), trong đó có thuyền buôn Châu Ấn của dòng họ thương nhân Chaya. Khi yết kiến An Nam quốc vương Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Đàng Trong của Đại Việt ở ngôi từ năm 1613 đến 1635), thương nhân Araki Sataro của dòng họ Chaya đã nói về lòng sùng kính đức Phật của người Nhật Bản, nhất là những người đi biển, bởi vậy Chúa Nguyễn đã ban tặng cho ông bức tranh "Thác Kiến Quan Thế Âm" – một bức tranh vẽ tượng Phật nổi tiếng mà Chúa Nguyễn thỉnh từ chùa Tam Thai ở núi Ngũ Hành Sơn.
Sau đó, bức tranh đã được đưa về lưu giữ tại ngôi chùa Jomyo như một quốc bảo của Nhật Bản.
|
|
Lễ cung nghinh phiên bản bức tranh cổ "Thác Kiến Quán Thế Âm" |
Các nhà sư chùa Jomyo trao tặng phiên bản bức tranh cổ "Thác Kiến Quán Thế Âm" cho các nhà sư chùa Tam Thai |
Được biết, ngoài bức tranh "Thác Kiến Quan Thế Âm", tại chùa Jomyo hiện còn lưu giữ một bức tranh hơn 400 năm tuổi với tên gọi “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” bằng chất liệu màu nước. Đây cũng được xem như Quốc bảo của Nhật Bản.
Bức tranh này rất đồ sộ, có giá trị lớn về lịch sử và mỹ thuật với chiều cao 78cm, chiều dài 498cm. Bức tranh tuy đã mất đi một phần, nhưng phần còn lại vẫn phác họa sinh động một số cảnh quan vào đầu thế kỷ 17, đó là: thuyền Châu Ấn rời Nagasaki đi Giao Chỉ và cập bến tại Hội An (xứ Đàng Trong của Đại Việt); thương nhân Nhật Bản dâng lễ vật cho một người mang dáng dấp của chúa Nguyễn; phố Nhật ở Hội An; ngôi nhà lớn trong đất liền.
Theo Ban quản lý Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn, trên vách động Hoa Nghiêm ở chùa Tam Thai có lưu giữ một văn bia toàn bằng chữ Hán Nôm mang tên “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật”. Theo bản dịch tiếng Việt của Giáo sư Lê Trí Viễn, văn bia này do Thiền sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn (1640), ghi lại danh sách 53 tín hữu bao gồm: một số người Việt ở Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn, người Trung Hoa, thương nhân vùng Nagoya sống gần chùa Jomyo (Nhật Bản) và các thương nhân Nhật Bản lập dinh sinh sống tại Hội An, đã phụng cúng hàng ngàn quan tiền, hàng chục lạng bạc nén và hàng trăm cân đồng để xây chùa Bình An tại chân ngọn núi Thủy Sơn.
Với giá trị văn hóa, lịch sử rất lớn của văn bia, vừa qua, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã quyết định sẽ khánh thành một văn bia tiếng Việt được dịch từ bản gốc đặt trong động Hoa Nghiêm vào dịp Lễ hội Quán Thế Âm (tức ngày 19/2 âm lịch), để du khách đến đây có thể vừa chiêm bái vừa tìm hiểu thêm về một dòng chảy lịch sử, trong đó ghi nhận sự giao lưu, gắn kết giữa người dân hai vùng Quảng Nam - Đà Nẵng (Việt Nam) và vùng Nagoya (Nhật Bản) đã hình thành từ cách đây hơn 400 năm.
Thanh Hải biên tập