Sức hút từ Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc)
Cập nhật: 05/03/2010
Đến hẹn lại lên, hàng năm, cứ vào ngày 16 và 17 tháng Giêng (âm lịch), hàng vạn du khách thập phương cùng tề tựu về xã Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) tham dự Lễ hội chọi trâu Hải Lựu.

Xã Hải Lựu trước đây là một làng với cái tên Bạch Lưu Hạ. Theo truyền thuyết dân gian kể lại, vào một buổi sáng sớm khi trời còn mờ sương, ở đầu làng người ta thấy có 2 con trâu trắng chọi nhau, không phân thắng bại. Sau đó cả 2 con trâu này đều nhảy xuống sông rồi biến mất. Về sau, địa điểm diễn ra cuộc đọ sức của 2 con trâu trắng người ta gọi là Bến Ảnh, tên làng gọi là Bạch Ngưu (nghĩa là trâu trắng). Tuy nhiên, vì kiêng huý của thần thánh nên dân làng gọi chệch đi là Bạch Lưu. Bạch Lưu Hạ có nghĩa là làng Bạch Lưu nằm ở hạ nguồn sông Lô. Lễ hội Chọi Trâu được bắt nguồn từ đó.

Do chiến tranh, Lễ hội đã bị đứt đoạn từ năm 1947, đến năm 2002 mới được khôi phục lại.Thời kỳ đầu, Lễ hội này chỉ được tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch. Về sau, do số lượng trâu tham gia thi đấu ngày càng nhiều, Ban tổ chức quyết định tổ chức Lễ hội trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng âm lịch.

Với tính cổ xưa của một lễ hội văn hóa dân gian và luôn mang đến cho những người nuôi trâu cũng như du khách tham dự sự hào hứng, phấn khởi, Lễ hội năm nay đã thu hút sự tham gia thi đấu của 26 ông Cầu (tên gọi của trâu chọi) đến từ các thôn trên địa bàn xã Hải Lựu.

Theo đúng nghi thức, trước khi Lễ hội diễn ra, Ban tổ chức Lễ hội đã cử một đoàn người lên tế lễ tại Đền Hùng (Phú Thọ). Tối 15/1 âm lịch, tại vọng đài tưởng niệm tâm linh - nơi thờ Thành hoàng làng, Ban tổ chức và người dân xã Hải Lựu thực hiện lễ tế Tổ trang nghiêm, lễ trình trâu và cùng uống rượu, ca hát, bàn chuyện làm ăn trong năm mới. Sang ngày 16/1 âm lịch, diễn ra vòng đấu loại trực tiếp của 13 cặp trâu trọi. Ngày tiếp theo là diễn ra phần thi chung kết với sự tranh tài của 13 “ông Cầu” đã vượt qua vòng đấu loại trực tiếp.

Dưới cái nắng chói trang nhưng hàng vạn người dân và du khách vẫn nhiệt tình theo dõi và hào hứng cổ vũ những cặp trâu thi đấu.

Theo một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Mặc dù Lễ hội được tổ chức không vào ngày nghỉ nhưng cả gia đình du khách này vẫn bắt xe lên Hải Lựu xem chọi trâu. Thứ nhất là để cho thỏa niềm yêu thích, tiếp theo, là để cho con cái có dịp cảm nhận nét văn hóa cổ truyền đặc sắc của người Việt thể hiện qua Lễ hội chọi trâu.

Nét đặc trưng hấp dẫn du khách đến với Lễ hội chọi trâu Hải Lựu không chỉ là những trận tranh tài nảy lửa với những cú ra đòn hiểm, những cuộc rượt đuổi đầy gay cấn của trâu chọi như hút hồn người xem mà còn là món thịt trâu chọi. Theo tục lệ, tất cả những con trâu sau khi tham gia thi đấu đều bị giết thịt để cúng tế thần linh và sau đó bán cho người xem.

Theo người dân nơi đây, trâu chọi thường được nuôi theo một chế độ đặc biệt nên thịt trâu rất ngọt và ngon hơn trâu thường rất nhiều. Hơn nữa, ăn thịt trâu chọi sẽ giúp họ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.


                                                                                                        Thanh Hải biên tập
TITC