Quang Bình là địa bàn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như: đồi, núi, sông, suối, thác, ghềnh, hang động. Bên cạnh đó, Quang Bình còn ẩn chứa một kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số.
Mỗi dân tộc đều có những tập tục sinh hoạt, lễ hội riêng của mình và được tổ chức vào các mùa trong năm như: Lễ hội nhảy lửa, kéo chày, trích đoạn đám cưới, giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn; lễ cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày, lễ Mừng cơm mới của dân tộc La Chí, lễ hội bắt cá suối (câu, quăng chài, bắn tên) và các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số khác vẫn được lưu truyền, gìn giữ và phát huy đã thực sự cuốn hút du khách trong và ngoài nước.
Với địa bàn thuận lợi nằm trên trục Quốc lộ 279 nên Quang Bình có điều kiện kết nối các tour du lịch với các huyện Sa Pa, Bảo Yên, Bắc Hà của tỉnh Lào Cai; khu du lịch Panshau huyện Hoàng Su Phì; bãi đá cổ Nấm Dẩn huyện Xín Mần và các làng du lịch cộng đồng của huyện Bắc Quang (Hà Giang) và Lục Yên (Yên Bái).
Những tài nguyên và thuận lợi trên cho thấy, đây chính là thế mạnh để Quang Bình phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Song vài năm trước đây, hình thức mới chỉ tự phát, chưa có quy hoạch, quản lý và cũng chưa có sự hướng dẫn để người dân cùng tham gia khai thác, bảo tồn tài nguyên và đem lại hiệu quả kinh tế từ du lịch. Xác định “văn hoá các dân tộc là tài nguyên nhân văn quan trọng, là hướng đột phá cho phát triển du lịch cộng đồng không chỉ đối với huyện”... Với tiềm năng và lợi thế về du lịch, Quang Bình đã đưa nội dung phát triển du lịch cộng đồng vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, BCH Đảng bộ huyện (khoá I), trong đó chú trọng phát triển các tour, tuyến du lịch. Tháng 11/2007, UBND huyện Quang Bình tiếp tục ban hành Quyết định số 1305 về việc phê duyệt đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc và làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Tày, thôn Chì, xã Xuân Giang. Việc xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng không chỉ tạo thêm sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn cho du khách mà đã đem lại bộ mặt đổi thay theo hướng tích cực đối với các làng bản cũng như sự nhận thức của cán bộ và người dân về việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế. Qua đó, ý thức bảo tồn văn hoá, bảo vệ tài nguyên phục vụ cho du lịch từng bước được hình thành, củng cố. Đến nay, nhiều hộ gia đình không chỉ ở các làng văn hóa du lịch cộng đồng mà ở nhiều làng văn hoá khác cũng đã chủ động và tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương như: cải tạo nhà ở, mua sắm các trang thiết bị tối thiểu để phục vụ khách thăm quan du lịch. Thông qua các lớp tập huấn, người dân trong các làng văn hóa du lịch cộng đồng đã có được những kỹ năng cơ bản về phục vụ, khai thác, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và bước đầu đã thu hút được lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú.
Trong những năm qua, huyện Quang Bình đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú để phục vụ khách tham quan. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 04 nhà nghỉ, 01 nhà khách và 20 nhà lưu trú tại 2 làng du lịch cộng đồng với tổng số 90 phòng nghỉ với 120 giường. Nhìn chung chất lượng các dịch vụ bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của du khách. Để phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng, huyện Quang Bình còn có các cơ chế, chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ kinh phí cho các làng văn hóa du lịch cộng đồng xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn và cho mỗi hộ tham gia làm du lịch vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội để tu sửa nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng cần thiết trong gia đình để phục vụ khách du lịch.
Trong công tác quản lý các hoạt động du lịch, huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa, Thông tin và Du lịch làm tốt công tác quản lý giá cả các dịch vụ phục vụ khách, công tác khai báo tạm trú đối với khách trong nước và quốc tế và tham mưu cho huyện xây dựng quy hoạch làng văn hóa du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hoá truyền thống. Đặc biệt, các làng văn hóa du lịch cộng đồng đã thành lập được các đội văn nghệ dân gian phục vụ khách tham quan. Cùng với sự cố gắng nỗ lực của các làng văn hóa du lịch cộng đồng, UBND huyện và UBND xã Tân Bắc, Xuân Giang đã chỉ đạo, thành lập Ban quản lý các làng văn hóa du lịch cộng đồng, hướng dẫn công tác chỉnh trang, tu sửa nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, mua sắm các đồ dùng thiết yếu và bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc, khai thác và phát huy khả năng chế biến các món ăn dân tộc truyền thống. Hiện nay, về cơ bản cả 02 làng văn hóa du lịch cộng đồng Chì và My Bắc đều đáp ứng việc phục vụ khách tham quan các làng, tổ nghề truyền thống, các danh lam thắng cảnh, biểu diễn và giao lưu văn nghệ dân gian truyền thống, chế biến các món ăn đặc sản của từng dân tộc phục vụ nhu cầu của khách tham quan. Theo số liệu báo cáo của Ban quản lý (BQL) các làng văn hóa du lịch cộng đồng, chỉ tính trong năm 2009, lượng khách tham quan, du lịch đến với làng Chì là trên 500 luợt người và làng My Bắc là trên 700 lượt người. Doanh thu từ nhà nghỉ, văn nghệ, dịch vụ ăn uống và sản phẩm lưu niệm của mỗi xã đều đạt trên 100 triệu đồng.
Để quản lý tốt các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện, đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên địa bàn trong những năm tiếp theo, ông Triệu Tài Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: có thể khẳng định, chủ trương phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Việc xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng đã đem lại bộ mặt đổi thay theo hướng tích cực đối với các làng bản. Nhận thức của cán bộ và người dân về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng từng bước được nâng lên. Người dân đã hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, ý thức bảo tồn văn hoá, bảo vệ tài nguyên du lịch được hình thành và củng cố. Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển du lịch của huyện đến năm 2015, huyện sẽ hoàn thành tất các điều kiện để đón khách tham quan tại 02 làng du lịch cộng đồng; phát triển thêm từ 2 - 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái. Đồng thời quy hoạch và phát triển các làng văn hóa du lịch cộng đồng có đầy đủ các yếu tố về cảnh quan, đảm bảo về an ninh trật tự. Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, chú trọng đến các điểm, các làng bản nằm trên các tour, tuyến du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách... Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên, nhân viên phục vụ tại các thôn bản. Hoàn thiện chiến lược tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách khám phá bản sắc văn hoá phong phú, phong cảnh tự nhiên nguyên sơ của các bản làng dân tộc cũng như góp phần vào giữ gìn và phục hồi các ngành nghề thủ công truyền thống, các nét văn hoá đặc sắc của mỗi dân tộc, góp phần vào bảo vệ môi trường và tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.