Khai mạc Hội thảo “Du lịch - Động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội” và phiên họp Liên Ủy ban Đông Á – Thái Bình Dương và Ủy ban Nam Á UNWTO
Cập nhật: 10/05/2010
Ngày 10/5/2010, lễ khai mạc Hội thảo “Du lịch - Động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội” và Phiên họp lần thứ 22 Liên Ủy ban Đông Á – Thái Bình Dương và Ủy ban Nam Á của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã diễn ra trọng thể tại khách sạn Melia, Hà Nội.

Tới dự Lễ khai mạc có đồng chí Hoàng Tuấn Anh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam; ông Taleb Rifai - Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO); ông Atta Ur Rahman - Bộ trưởng liên bang Bộ Du lịch Pakistan; ông Zoltan Somoygi – Giám đốc điều hành UNWTO; ông Trần Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam; bà Wiparat Tharateerapab - Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan; ông Ahmad Mirazakouchak Khoshnevis - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Di sản văn hóa Iran; ông Xu Jing, Đại diện UNWTO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam; cùng gần 300 đại biểu là các quan chức du lịch cấp cao đến từ cơ quan du lịch quốc gia của 17 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các tổ chức du lịch quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam, đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trên toàn quốc và đông đảo phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương.

Phát biểu chào mừng Lễ khai mạc, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh đây là sự kiện du lịch quốc tế quan trọng, mang ý nghĩa thiết thực, diễn ra vào đúng dịp Việt Nam long trọng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, 50 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam và triển khai Năm Du lịch quốc gia 2010 tại Hà Nội.

Ông Taleb Rifai - Tổng thư ký UNWTO, khẳng định sự ủng hộ nhiệt tình của UNWTO đối với đất nước và nhân dân Việt Nam, nhất là trong thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ về bề dày văn hóa lịch sử của thủ đô một nghìn năm tuổi này, cho rằng ít có thủ đô của quốc gia nào trên thế giới đạt được mốc kỷ niệm lịch sử này.

Ngành Du lịch thế giới đã chứng kiến những khó khăn chưa từng thấy trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới từ giữa năm 2008, làm sụt giảm tăng trưởng du lịch toàn cầu. Tuy nhiên những tháng cuối năm 2009 và từ đầu năm 2010 đến nay đã xuất hiện những tín hiệu phục hồi rất tích cực. Du lịch đã đóng vai trò to lớn trong tạo công ăn việc làm, đóng góp vào thu nhập quốc dân và là động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Diễn ra trong ngày 10/5/2010, Hội thảo “Du lịch - Động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội” là diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách về du lịch, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch trao đổi về vai trò của du lịch trong tạo việc làm, thu nhập, nâng cấp cơ sở hạ tầng và xoá đói giảm nghèo ở khu vực; về các cơ hội phát triển du lịch do công nghệ thông tin mang lại; bàn thảo các biện pháp giải quyết những thách thức trong phát triển du lịch, các giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích phát triển kinh tế từ du lịch, tăng cường sự đóng góp tích cực của du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia và cả khu vực.

Phiên họp lần thứ 22 Liên Ủy ban Đông Á – Thái Bình Dương và Ủy ban Nam Á Tổ chức Du lịch thế giới sẽ diễn ra vào ngày mai 11/5/2010 cũng tại khách sạn Melia, Hà Nội.


Trong tháng 4/2010, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 432.608 lượt, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung 4 tháng năm 2010 ước đạt 1.783.832 lượt, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu mới nhất từ UNWTO, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế, chỉ sau Sri Lanka, Ảrập Xêút và Israel.


Một số hình ảnh tại Hội thảo:

          Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh phát biểu chào mừng

                  Tổng thư ký UNWTO Taleb Rifai phát biểu tại lễ khai mạc

                                                     Đại biểu tham dự lễ khai mạc



                                                                                                                                               T.P
TITC