Tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (HRI), Vietnam Airlines- văn phòng miền Trung và Công ty Lữ hành Vitours tổ chức hội thảo và tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp về tiềm năng, giải pháp để thu hút khách du lịch Nhật Bản đến miền Trung.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và du lịch miền Trung nói riêng đến các thị trường tiềm năng nhằm thu hút lượng khách Nhật Bản đến miền Trung ngày một nhiều hơn, hướng tới mục tiêu tổ chức đường bay trực tiếp từ Nhật Bản đến Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ hội thảo, bên cạnh việc giới thiệu tiềm năng của các tỉnh miền Trung, các chuyên gia hàng đầu của ngành Du lịch Nhật Bản đã trình bày những nội dung thiết thực và tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong việc khai thác, tổ chức phục vụ nguồn khách du lịch Nhật Bản.
Theo giáo sư Yukichica Iijma - Phó chủ tịch Hiệp hội Quản lý khách sạn toàn cầu, muốn tiếp cận cách thức du lịch của Nhật Bản thì điều cơ bản là phải có hiểu biết về người Nhật. Khách Nhật Bản thường đi du lịch kéo dài nhất cũng chỉ trong phạm vi 1 tuần, những nhóm phụ nữ hoặc người trung, cao niên thường cùng du lịch đến những nơi có khách sạn cao cấp, ăn ở những nhà hàng nổi tiếng, nơi có nhiều điểm tham quan, shopping,.. Trong khi đó, để thu hút khách trẻ tuổi thì cần có nhiều hoạt động, các dịch vụ vui chơi giải trí thông minh, ít tốn kém.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HRI- thạc sĩ Yoshiaki Noguchi - đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải xây dựng một “Concept du lịch”- được hiểu như là chủ đề, là “cái hồn” của một tour du lịch- cách hệ thống hóa du lịch. Theo ông, “concept” là ưu thế riêng biệt, chất lượng chuẩn, cần thiết phải có “concept” vì nó sẽ giúp cho khách hàng dễ hiểu, nắm rõ lợi ích khi lựa chọn điểm đến. Một khi khách hàng đã thấy hài lòng với dịch vụ, họ sẽ cảm kích, quay lại và trở thành khách hàng suốt đời.
Ông dẫn chứng, tại Việt Nam, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn là những vùng riêng biệt. Nhưng dưới góc nhìn của người Nhật, tất cả đều nằm trong một vùng. Để truyền đạt sức thu hút của vùng thì cần phải làm rõ “concept”, tạo ra đặc trưng cho từng vùng, vì người Nhật luôn yêu cầu chất lượng đạt chuẩn. Muốn tạo ra một “Concept du lịch” cần có những bước sau: Tập hợp nguồn lực kinh doanh như văn hóa, tự nhiên, nhân lực...
Nắm rõ nguồn lực cốt lõi mà những vùng khác không có được. Thiết lập mục tiêu trên cơ sở phân tích chi tiết các nhóm du khách. Thiết lập “concept”, cần tạo ra ưu thế riêng biệt, chất lượng đạt chuẩn bằng cách lập mục tiêu, nắm rõ lợi ích và bao gồm tạo niềm vui trong công việc. Dựa trên “concept” đã lập sẽ tạo ra và triển khai du lịch cụ thể.
Các diễn giả đến từ Nhật cũng đề cập khá nhiều đến những thuật ngữ, nguyên tắc chuyên môn trong du lịch mà người Nhật quan tâm. Theo giáo sư Tomomi Uchida, Học viện Giáo dục Nhật Bản, thì tiêu chuẩn dịch vụ của khách hàng Nhật là những dịch vụ vượt quá sự kỳ vọng ban đầu, khiến bản thân thực sự thấy bất ngờ và cảm kích. Điều này tiềm ẩn trong sự phục vụ của từng nhân viên, từng dịch vụ nhỏ, tại sân bay, khách sạn, cửa hàng, taxi,... Nắm được những yếu tố ấy, du lịch miền Trung sẽ xây dựng được những chiến lược triển khai cụ thể và có cách của riêng mình để tạo sự thu hút đối với khách Nhật.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhắm đến mục tiêu liên kết các cơ quan xúc tiến du lịch, các hãng lữ hành, Vietnam Airlines, HRI và các đơn vị cung ứng dịch vụ nhằm phối hợp các nguồn lực, chuẩn hóa hệ thống dịch vụ và cam kết cùng đồng hành trong việc xúc tiến, quảng bá, tổ chức đón tiếp và phục vụ khách du lịch Nhật Bản với mục tiêu phát triển bền vững vì lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng.