Festival Huế 2010: Nơi hội tụ của các nền văn hóa
Cập nhật: 02/06/2010
Với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Festival Huế 2010 diễn ra từ 5-13/6/2010 sẽ hội tụ nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật nổi bật của quốc gia và quốc tế.

Tính đến ngày 30/5/2010 đã có 26 quốc gia với gần 50 nhóm nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật đăng ký chính thức tham gia Festival Huế 2010. Đây là dịp để du khách trong nước và quốc tế cùng thưởng thức những chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc nhất.

Giao lưu các nền văn hóa!
Những hoạt động chuẩn bị cho Festival Huế 2010 gần như đã hoàn tất. Điểm đặc biệt trong Festival lần này là không chỉ tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của các kỳ Festival Huế trước đây mà còn mở rộng ra các vùng lân cận, các khu thị trấn, thị tứ, các khu đô thị mới của tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Với 26 nước đến từ 5 châu lục trên thế giới, du khách sẽ có cơ hội để thưởng thức và giao lưu với nền văn hóa của nước bạn. Những nghệ sĩ tên tuổi của quốc tế vẫn trở lại với Festival Huế như: Ban nhạc folk-rock-jazz Kimotion vs2 (Hoa Kỳ) gồm 5 thành viên do nhạc sĩ Kimo Williams sáng lập đã từng biểu diễn một đêm duy nhất ở Festival Huế 2008; nghệ sĩ dương cầm Jean Francois Maljean của Bỉ...

Festival Huế 2010 có 7 nước lần đầu tiên tham dự với các chương trình nghệ thuật của các nghệ sĩ có tên tuổi như: Nghệ sĩ Diogal (Senegal) với những bản nhạc folk ballad; dàn nhạc MI22 của Đan Mạch với những bản nhạc thể loại funk, jazz, soul và latin; nghệ sĩ Bélo (của Haiti) là một soạn nhạc, nghệ sĩ đàn guitar và ca sĩ nổi tiếng ở châu Phi, Bắc Mỹ, châu Âu; hai nghệ sĩ vĩ cầm Olav Luksengard Mjelva và Anders Hall (Na Uy) với những giai điệu dân ca vùng Bắc Âu; nghệ sĩ đàn guitar Paco Rentería của Mexico; ban nhạc “Los Tradiconales” của Cuba; đoàn nghệ thuật dân gian Jedliniok của Ba Lan.

Ngoài ra, nhiều nước với các chương trình nghệ thuật văn hóa đặc sắc như: Đoàn ca múa nhạc dân gian Zvontsy (Nga) sẽ biểu diễn tiết mục Đám cưới Nga; các đoàn múa cổ điển Odissi - Ấn Độ; Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Vân Nam, Trung Quốc sẽ trình diễn những tác phẩm Kim Tiền Báo, Khổng Tước phi lai...; Đoàn Nghệ thuật truyền thống Okinawa với điệu múa cổ truyền cung đình kết hợp với sức mạnh của thế võ Karate và vũ điệu Eisa...

Các đoàn nghệ thuật trong nước sẽ bao gồm sự có mặt của các đơn vị nghệ thuật Trung ương, các nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Bông Sen, Đoàn Ca múa An Giang, Đắk Lắk, Phú Yên, Đà Nẵng, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế..., các nhóm nghệ thuật từ ba địa phương kết nghĩa: Huế - Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, nhóm các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể thế giới, các thành phố có vốn nghệ thuật truyền thống độc đáo, và các lực lượng nghệ thuật chuyên và không chuyên của Thừa Thiên-Huế.

Trong đó, đoàn Nghệ thuật dân tộc Lào Cai sẽ trình diễn chương trình nghệ thuật với chủ đề Hồn núi, giới thiệu những vũ khúc tưng bừng, những tiếng khèn, tiếng sáo dìu dặt của người Mông, điệu nhảy của người Dao đỏ; tiếng đàn của người Pa Dí, điệu xoè của người Hà Nhì...; đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển- tỉnh Phú Yên với những bài hát dân ca trữ tình và tiết mục hoà tấu đàn đá, kèn đá có niên đại trên 3.000 năm; Đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk sẽ giới thiệu chương trình Cội nguồn – Khát vọng được kết hợp giữa nghệ thuật dân tộc và hiện đại...

Những lễ hội lần đầu tiên
Festival Huế 2010 với điểm nhấn là các chương trình lễ hội hoành tráng, được dàn dựng công phu, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc gắn liền với các sự kiện lịch sử của dân tộc và vùng đất cố đô. Ngoài những lễ hội đã từng diễn ra ở các kỳ Festival trước đó như Lễ hội Áo dài, Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung... thì trong Festival lần này, có 4 lễ hội và chương trình nghệ thuật lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng và du khách.

Chương trình nghệ thuật Cuộc thao diễn Thủy binh thời chúa Nguyễn diễn ra lúc 20h ngày 7/6/2010. Đây là một lễ hội trên sông nước được diễn ra trên sông Hương đoạn trước mặt đình Kim Long. Chương trình kéo dài khoảng 90 phút và phân thành ba phần: phần tế lễ (khoảng 15 phút) gồm các lễ nghi đón tiếp theo thể thức quân đội được cử hành, phần hội trên bờ (khoảng 35 phút): diễu hành biểu dương lực lượng, thao diễn trên bờ và phần hội dưới nước (khoảng 40 phút), Chúa Nguyễn cùng bá quan văn võ sẽ bước lên thuyền để ngự lãm phần thao diễn của các loại thuyền.

“Hành trình mở cõi” là một lễ hội được sân khấu hóa nhằm tái hiện và tôn vinh quá trình mở cõi của các thế hệ cha ông trong gần 1.000 năm qua, đặc biệt là giai đoạn các Chúa Nguyễn và Vua Nguyễn (diễn ra tối 10/6/2010). Sân khấu của lễ hội chính là khu vực hộ thành hào và bãi trống trước Kỳ Đài, sử dụng ngôn ngữ giàu chất ước lệ sử thi. Lễ hội sẽ chọn 10 sự kiện tiêu biểu trong lịch sử mở cõi của dân tộc, bắt đầu là sự kiện gả Huyền Trân Công Chúa cho Vua Chế Mân năm 1306 và kết thúc khải hoàn vào năm 1945.

Chương trình nghệ thuật Hơi thở của nước diễn ra tại hồ Tịnh Tâm (tối các ngày 6, 9, 11/6/2010) nhằm tôn vinh các nghệ nhân Việt Nam, các giá trị văn hóa phi vật thể vô giá của dân tộc, tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam. Chương trình sẽ hội tụ 3 loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới gồm Nhã nhạc Huế, Ca trù, Quan họ và các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Sân khấu sẽ được lắp đặt chìm dưới mặt nước hồ Tịnh Tâm, rộng 1.500 m². Dự kiến số tiền thu được từ bán vé sẽ được tặng cho các nghệ nhân có công trong việc truyền dạy ca Huế cho thế hệ trẻ.

Lễ hội Đêm phương Đông (diễn ra vào các ngày 5, 7, 8, 10, 11 và 12/6/2010) tại sân Điện Thái Hòa, phô diễn những nét đẹp của trang phục và văn hóa của các dân tộc phương Đông gồm: Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Mông Cổ, Hàn Quốc và Việt Nam.
Văn hóa