Không chỉ đa dạng về sinh cảnh, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tiền Hải (huyện Tiền Hải, Thái Bình) còn là nơi có nhiều hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội và các trò chơi dân gian…, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Xuân Hòa (Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững), nhiều mô hình du lịch đã được mở rộng và phát triển ở vùng đất này như: Khu BTTN Tiền Hải, Khu du lịch phố biển Đồng Châu, Khu du lịch sinh thái cộng đồng và Khu du lịch sinh thái Cồn Vành. Các mô hình này đều được kết hợp với các hình thức du lịch bổ trợ như: du lịch nước khoáng thiên nhiên Tiền Hải, du lịch làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, du lịch làng nghề dệt đũi Nam Cao…
Khu BTTN Tiền Hải là khu vực đa dạng về sinh cảnh, trong đó quan trọng nhất là các bãi cát ngập triều, trảng sậy và rừng ngập mặn. Mặc dù còn nhiều hạn chế cần khắc phục nhưng định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Tiền Hải sẽ là nền tảng vững chắc cho việc bảo tồn các loại tài nguyên du lịch, đặc biệt là bảo tồn và giảm sức ép lên khu BTTN Tiền Hải, đồng thời tạo sinh kế mới, giúp bà con địa phương tăng thêm thu nhập.
Được biết, cả 3 xã thuộc vùng đệm ven biển Khu BTTN Tiền Hải, gồm: Nam Thịnh, Nam Hưng và Nam Phú đều có một trong các hệ sinh thái đặc trưng như: hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng phi lao chắn cát trên cồn Vành, hệ sinh thái thủy sinh và hệ sinh thái vùng cửa sông – ven biển... Nơi đây cũng được biết đến với nhiều hệ thống đình, chùa, nhà thờ, lễ hội, đặc biệt có nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn nghệ truyền thống do người dân tự tổ chức như: hát chèo, hát trầu văn, múa tế lễ, kèn đồng… Đây là những yếu tố không thể thiếu trong việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Tiền Hải nói riêng và Thái Bình nói chung.