Vào những ngày đầu tháng 7 này, những người đã công tác lâu năm hay mới bước chân vào ngành du lịch đều có một tâm trạng phấn chấn, xúc động lạ thường… Đó chính bởi đây là thời gian toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành đang tích cực chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành, 9/7/1960 – 9/7/2010.
Theo chân những anh chị em của Tổng cục Du lịch đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện này, tôi nhận thấy nổi bật trên các ấn phẩm, băng rôn, trên các website của Tổng cục Du lịch, luôn luôn xuất hiện hai biểu tượng: biểu tượng hai thuyền buồm màu xanh và biểu tượng đóa hoa sen màu quốc kỳ cách điệu trên nền khẩu hiệu ‘Việt Nam – Vẻ đẹp tiềm ẩn”.
Biểu tượng và khẩu hiệu “Việt Nam – vẻ đẹp tiềm ẩn” của Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch giai đoạn 2005-2010 đã trở nên thân thiết với du khách trong và ngoài nước trong thời gian gần đây. Nhưng còn biểu tượng kia của Du lịch Việt Nam, ý nghĩa ra sao, từng đường nét biểu đạt ý gì… chắc phải gặp trực tiếp tác giả mới rõ được.
PV: Chào chị Lan Anh, chắc hẳn chị còn nhớ cảm xúc của mình khi biết tác phẩm của mình được lựa chọn là Biểu tượng chính thức của Du lịch Việt Nam?
Chị Trương Lan Anh (LA - cười): Chuyện đó cũng đã lâu lắm rồi. Khi đó (năm 2001), Tổng cục Du lịch bắt đầu triển khai Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch giai đoạn 2000-2005, một bước ngoặt về công tác xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch, bởi vậy cần tìm một biểu tượng mới thay cho biểu tượng cũ (hình ảnh con cò) vốn đã được sử dụng khá lâu. Một cuộc thi sáng tác Biểu tượng cho Du lịch Việt Nam được Tổng cục Du lịch tổ chức, công bố rộng rãi. Và tôi may mắn được lọt vào vòng Chung kết cuộc thi, cùng với 2 tác giả khác. Cảm giác lúc đó thật khó tả, vừa mừng, vừa lo. Mừng, vì từ khi mình tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ra, đây là tác phẩm đầu tiên được mình gửi tham dự một cuộc thi mà lại được giải, nhất là được lựa chọn để dùng cho ngành. Lo, là không biết cảm nhận của những người sử dụng sẽ ra sao, liệu tuổi thọ của nó có kéo dài được bao lâu…
PV: Chắc lo lắng này bây giờ không còn nữa, vì từ đó tới nay, đã được gần 10 năm rồi, tác phẩm của chị vẫn theo cùng với các ấn phẩm quảng bá của Du lịch Việt Nam đi khắp năm châu. Nhưng ngắm tác phẩm này, người thì nói đó là hai chữ D và L; người thì nói đó là đôi thuyền buồm bên nhau… Thực ra hình tượng đó là gì vậy?
LA (say sưa): Đúng là hai ký tự D và L của cụm từ Du Lịch thật. Nhưng đó cũng là hình ảnh của một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam: hòn Trống Mái trên Vịnh Hạ Long. Nét sổ ngang nối hai ký tự D và L là biểu hiện sự ‘liên kết, liên ngành, liên vùng’ không thể thiếu trong hoạt động của du lịch. Vòng tròn bên ngoài là sự luân chuyển không ngừng và liên hoàn của du lịch. Màu xanh nền là màu đặc trưng của ngành và cũng là màu xanh của hòa bình, của sự thân thiện… Những đường sóng thẳng ngang phía dưới biểu hiện cho những chặng đường đi lên, những thành tích, nền móng đạt được trong những năm qua của ngành. Đường nét thì đơn giản bao gồm những mảng kỷ hà rất gọn dễ nhìn và sử dụng được trên mọi chất liệu…
PV. Nhưng chị có thấy “sóng” của chị bị ‘cứng” quá không? Sao chị không cho mặt biển gợn sóng lăn tăn cho đẹp?
LA: Sóng như thế để thể hiện cho sự bình yên, “sóng” hòa bình, an toàn và thân thiện của du lịch mình đấy. Nếu bạn để ý, sóng cũng khác nhau đấy chứ. Phía trên nhẹ nhàng, thanh tú, phía dưới đậm chắc, bền vững… Mà thôi, tác giả mà nói về tác phẩm của mình thì chỉ thích khen thôi. Điều quan trọng là, một biểu tượng ngoài những ý nghĩa chính của nó, phải tạo được một sự cảm nhận khác nhau từ người xem, người sử dụng. Và nếu bạn thấy biểu tượng đó lại lột tả được một vẻ đẹp khác, thì thật may mắn cho tác giả.
PV . Chắc giải thưởng cũng phải to lắm, chị Lan Anh nhỉ?
LA (cười thoải mái): Rất lớn là đằng khác! Vì cuộc thi tiến hành qua nhiều vòng. Tác phẩm nào lọt vào vòng trong đều được trao giải của vòng đó … Nên tổng cộng cũng không phải ít đâu nhé. Ngoài ra Trung tâm Công nghệ Thông tin Du lịch (nay là Trung tâm Thông tin du lịch) nơi tôi làm việc, cũng có một phần thưởng đặc biệt cho riêng tôi để động viên. Nhưng điều đọng lại trong tôi, đó là cảm nhận mình đã đóng góp được một phần nhỏ bé cho các hoạt động tuyên truyền quảng bá của ngành. Sau này, tôi cũng có một vài tác phẩm đoạt giải, nhưng cảm xúc mạnh mẽ nhất vẫn là cảm xúc của biểu tượng này mang lại.
PV. Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này và mong rằng tác phẩm của chị sẽ cùng đồng hành với các hoạt động tuyên truyền quảng bá của ngành du lịch trong chặng đường dài tiếp theo.
Một số thông tin về tác giả:
Họa sĩ Trương Lan Anh
Sinh năm 1973 tại Hà Nội
Tốt nghiệp Khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1996 - Thiết kế chính cho các website của Tổng cục Du lịch
Công tác tại Trung tâm Thông tin du lịch từ năm 1998 đến nay