Quy hoạch Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn
Cập nhật: 20/07/2010
Cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều danh lam thắng cảnh đặc sắc, hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều nhóm động, thực vật quý hiếm, nhiều di sản địa chất, địa mạo cùng với các giá trị văn hoá truyền thống vùng cao núi đá mang tầm cỡ khu vực, Quốc tế đã được đoàn chuyên gia UNESCO – Liên hợp quốc khẳng định, đánh giá cao. Đây là cơ sở để tỉnh Hà Giang quy hoạch, từng bước xây dựng cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất toàn cầu.

Tiềm năng phát triển công viên địa chất:

Kết quả đánh giá của đoàn chuyên gia UNESCO - Liên hợp quốc mới đây lên khảo sát, chấm điểm trong lộ trình xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn thành công viên địa chất toàn cầu, cho thấy: Về cơ bản Cao nguyên đá Đồng Văn đáp ứng được các yêu cầu của một công viên địa chất toàn cầu, nhất là về các giá trị di sản địa chất, địa mạo: Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích 2.530km², bao gồm 4 huyện là: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Ở đây có nhiều di sản về lịch sử tiến hóa của trái đất, với các di sản kiến tạo và địa mạo, các di sản cổ sinh, địa tầng và cổ môi trường, làng văn hoá dân tộc, các danh thắng nổi tiếng: Mặt trượt trong đá vôi ở Quản Bạ là dấu ấn thể hiện rõ nét nhất hoạt động đứt gẫy làm nên thung lũng huyện lị Tam Sơn; các điểm đá vôi vân đỏ, đá vôi xám đen, đá vôi Trùng thoi ở khu vực Đồng Văn, đây là những dấu tích minh chứng vùng cao nguyên này được hình thành từ 260 - 350 triệu năm về trước. Những hoá thạch Tay cuộn , hoá thạch Bọ Ba Thuỳ ở Ma Lé và Lũng Cú có tuổi khoảng từ 400 - 500 triệu năm cũng đã được tìm thấy trên cao nguyên Đồng Văn; Cùng đó là khu dinh thự Nhà Vương ở Lũng Phìn, khu phố cổ huyện Đồng Văn.

Đây chính là những điểm vừa có giá trị về lịch sử vừa có giá trị về xã hội, thu hút rất nhiều du khách đến với CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn. Với những rừng đá, vách đá, hang đá cổ, những kim tự tháp chóp karst nối tiếp nhau tạo nên dãy bằng Đông Dương hùng vĩ hay đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng.

Mục tiêu và giải pháp phát triển:

Với mục tiêu chung là bảo tồn các di sản địa chất, di sản văn hóa, tôn tạo và gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về trái đất dựa trên khoa học; phát triển công viên địa chất trên cơ sở khai thác các nguồn lực sẵn có của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương...

Trên cơ sở những mục tiêu chung đó, tỉnh Hà Giang cũng đề ra các biện pháp xây dựng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn: Đối với giải pháp phát triển nguồn nhân lực, cần có chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua các lớp đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có, tuyển chọn tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các nhà quản lý, doanh nghiệp có đủ năng lực điều hành các hoạt động xây dựng, kinh doanh du lịch; mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các tổ chức đào tạo trong, ngoài nước đáp ứng nhu cầu phát triển. Về giải pháp vốn, đối với một tỉnh có nguồn thu khiêm tốn, việc huy động vốn cho đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách và từ tích lũy của các doanh nghiệp còn hạn chế, do đó cần có những giải pháp linh hoạt để huy động tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, các bộ, ngành; vốn đầu tư tư nhân hay vốn liên doanh, liên kết, vốn vay ngân hàng và các nguồn khác. Vấn đề ở đây là phải tạo được cơ chế chính sách phù hợp, khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đồng thời có chính sách rõ ràng về quản lý đầu tư xây dựng, kinh doanh trong phân chia lợi nhuận; trong quy hoạch chi tiết cần triển khai lập, xét duyệt các đề án quy hoạch theo khu vực trọng điểm, trên cơ sở đó xây dựng các dự án ưu tiên đầu tư theo từng giai đoạn, đặc biệt quan tâm lập, xét các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa. Bên cạnh những giải pháp về nguồn nhân lực, vốn, cơ chế chính sách thì giải pháp về xã hội hóa phát triển công viên địa chất cũng được tỉnh tính đến, nhất là đối với một dự án cần có nguồn vốn lớn, sự tham gia của cộng đồng dân cư bởi họ vừa là chủ nhân của các di sản, vừa là những người trực tiếp tham gia các dịch vụ du lịch vì vậy cần đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức của toàn dân về bảo tồn, khai thác các di sản tiềm năng du lịch một cách hiệu quả nhất.

Việc quy hoạch định hướng phát triển Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được nghiên cứu một cách nghiêm túc, có căn cứ khoa học, qua thực tiễn đáp ứng được yêu cầu đối với một quy hoạch chung, dựa trên cơ sở đánh giá tổng thể những lợi thế tài nguyên thiên nhiên về tự nhiên, xã hội; những tính toán dự báo, khả năng khai thác tiềm năng kinh tế, xã hội của tỉnh, đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của các địa phương trong khu vực công viên, lồng ghép phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng, chủ quyền quốc gia gắn với yêu cầu, các tiêu chí đánh giá của UNESCO, chắc chắn Đề án quy hoạch, xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn thành Công viên Địa chất toàn cầu sẽ đem lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Báo Hà Giang