Hiệp hội Du lịch Tp. Cần Thơ ra đời sớm nhất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong suốt nhiệm kỳ qua, Hiệp hội đã hoạt động khá tích cực và đạt được những thành quả đáng ghi nhận.
Theo báo cáo của BCH Hiệp hội Du lịch Tp.Cần Thơ, trong những năm qua công tác tuyên truyền quảng bá - xúc tiến du lịch Cần Thơ được Hiệp hội xem là quan trọng hàng đầu. Cụ thể: Phối hợp với Cty Phù Sa thực hiện tạp chí du lịch truyền hình “Đất Chín Rồng”. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tham gia các hội chợ triển lãm gồm 2 lần tham gia hội chợ ITE Tp.HCM (2007 - 2009), hội chợi hoa Xuân Tp. Cần Thơ, các kỳ triển lãm Mekong Expo, hội chợ Thương mại - Du lịch - Đầu tư cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên tháng 5/2009. Phối hợp Trung tâm xúc tiến du lịch Cần Thơ tổ chức thành công buổi tọa đàm “Phát triển du lịch lữ hành Tp. Cần Thơ” có đầy đủ các công ty lữ hành ĐBSCL và TP. HCM tham dự. Tham dự hội nghị “Hợp tác du lịch dưới mái nhà chung VITA” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức vào tháng 4/2008 tại Huế, Tham dự chương trình “Quảng bá khách sạn toàn cầu” do VCCI và Sở Du lịch phối hợp tổ chức.
Tuy nhiên, theo đánh giá thì hoạt động của Hiệp hội vẫn chưa triển khai được nhiều, nhưng bước đầu đã gặt hái được những kết quả rất khả quan tạo tiền đề cho các hoạt động trong thời gian tới.Tại hội nghị có nhiều ý kiến đóng góp.
Theo ông Diệp Hoằng Tùng, Phó TGĐ Cty cổ phần du lịch Golf Việt Nam, Tp. Cần Thơ chỉ có sản phẩm du lịch nổi tiếng là chợ nổi Cái Răng, một sản phẩm mà sử dụng mãi sẽ gây sự nhàm chán. Ngoài chợ nổi và các chợ trên sông ra, từ trước đến nay thành phố vẫn chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng nào khác để thu hút và tăng thời gian lưu trú của khách. Do vậy, thông thường khách chỉ đến Cần Thơ 1 ngày rồi quay về, khiến cho tỷ lệ sử dụng phòng của các khách sạn rất thấp. Nếu du lịch Cần Thơ muốn giữ chân du khách thì sản phẩm du lịch phải có chất lượng.
“Tôi đề nghị Hiệp hội và Sở Du lịch Tp. Cần Thơ cần nghiên cứu tạo ra một điểm nhấn để khi khách đến Cần Thơ có sản phẩm mới, hấp dẫn khiến cho du khách phải ở lại lâu hơn và sẵn sàng tiêu tiền. Ngoài ra, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng do vậy nhu cầu đào tạo ngoại ngữ cho đội ngũ nhân viên cũng rất quan trọng, các trường du lịch nên có một khoa chuyên đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành về du lịch. Đây là việc vô cùng quan trọng, vì sản phẩm du lịch có hay, có tốt mấy mà nhân viên phục vụ không có trình độ ngoại ngữ để “thổi hồn” vào sản phẩm và chăm chút phục vụ du khách thì cũng không hiệu quả”, ông Tùng nói.
Theo ông Trần Kim Đính, GĐ Cty TNHH thông tin lữ hành Mekong, lực lượng quản lý trong ngành du lịch không đồng đều. Một số được đào tạo bài bản và hiểu rõ vấn đề, còn số khác thì không có chuyên môn về du lịch cho nên cách kinh doanh và ngay cả việc sử dụng lao động cũng bị hạn chế. Với ý tưởng củ BCH là sẽ bầu chọn các điểm du lịch và doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch điển hình, đây chính là bước đệm tạo đà ngành dịch vụ, du lịch của TP. Cần Thơ phát triển tốt hơn. Cầu Cần Thơ đã thông xe sẽ tạo điều kiện cho du khách đến đây rất thuận tiện, nhưng nó cũng giúp cho du khách bỏ đi dễ dàng, như vậy chúng ta vừa có cơ hội mà cũng có cả thử thách.
Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Cty dịch vụ & du lịch Vòng Tròn Việt, du khách đến Cần Thơ không còn than phiền về giá cả, điều mà họ quan tâm là chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên trong ngành du lịch, trong khi đó học sinh của Trường nghiệp vụ Du lịch Cần Thơ ra trường lại không được sử dụng. Nhân viên đang làm việc trong các nhà hàng, khách sạn có tay nghề hạn chế, do vậy, giữa hai bên DN và nhà trường cần có sự phối hợp tốt với nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng cần mạnh dạn mời các chuyên gia về du lịch ở nước ngoài đến tư vấn xúc tiến du lịch.
Ngày 8/3/2010, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có QĐ 803, ban hành đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020. Đây là quyết định rất phù hợp với tình hình thực tế của khu vực, từ trước đến nay chúng ta chỉ có quy hoạch của từng tỉnh, thành còn quy hoạch chung thì không có, khiến cho các sản phẩm du lịch luôn bị trùng lập.
Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Du lịch với sự tham gia của Sở Du lịch trong khu vực để xây dựng kế hoạch về phát triển du lịch cho từng tỉnh, thành. Ông Định Viết Khanh, GĐ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận xét, bước đầu Hiệp hội đã làm được vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các DN, giúp cho hoạt động của Hiệp hội đi dần vào nề nếp. Tuy nhiên, Hiệp hội vẫn chưa phát huy đúng mức vai trò của mình như việc nghiên cứu, hướng dẫn các DN nhằm tạo ra các sản phẩm mới, sản phẩm ấn tượng ch dù lịch Cần Thơ chưa nhiều. Ngoài ra, việc kết nối giữa các DN để tạo nên sức mạnh tổng hợp của du lịch Cần Thơ bản thân Hiệp hội cũng chưa làm nhiều. Công tác xúc tiến quảng bá cho du lịch Cần Thơ đến với các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước vẫn chưa chuyển tải đầy đủ, chỉ quảng bá cho những DN lớn, những DN có đóng góp cho hoạt động triển lãm. Chính vì vậy hoạt động của Hiệp hội còn bó hẹp trong các hoạt động của những khách sạn hạng sao, chưa lan tỏa ra toàn bộ các DN trong thành phố.
Theo ông Phạm Phước Như, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Hiệp hội du lịch Cần Thơ nhiệm kỳ qua đã làm nhiều việc khá tốt, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục. Các DN cần phải chung tay, góp sức vào hoạt động của Hiệp hội để tạo thành sức mạnh tổng hợp để tạo thành sức mạnh tổng hợp thật sự. Vai trò của Hiệp hội đặc biệt là Ban thường trực phải năng động, sáng tạo. Đại hội đã bầu ra BCH mới và đã đưa ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ II là tiếp tục đổi mới hoạt động của Hiệp hội để theo kịp tình hình phát triển mới. Tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước; nâng cấp website du lịch Cần Thơ. Vận động khuyến khích các DN du lịch Cần Thơ nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới hình ảnh du lịch thành phố và đón đầu cơ hội.