Từ ngày 20 đến ngày 24/9/2010, lễ hội Nghinh ông Cần Giờ - lễ hội truyền thống của ngư dân biển Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức tại huyện Cần Giờ với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm đặc trưng của cư dân vùng biển.
Lễ hội năm 2010 được tổ chức với những hoạt động sôi nổi. Về phần Lễ gồm viếng nghĩa trang Liệt sĩ Rừng Sác; bia tưởng niệm trận đánh Đồn Cần Giờ; nhà bia thị trấn Cần Thạnh; Lễ thượng Đại kỳ lễ hội; cúng tiền hiền, hậu hiền, bạn lái cũ xưa, lễ Nghinh Ông trên biển và đón đoàn nghinh về Lăng ông Thủy tướng.
Vào lúc 23h ngày 22/9/2010 (tức ngày 15/8 âm lịch), khoảng 30 thuyền hoa đăng của ngư dân đồng loạt đưa ra khơi và thả dọc bờ biển 1.000 cây đèn hoa đăng.
Riêng phần Hội năm 2010 cũng được mở rộng dành cho du khách tham gia như gian hàng trò chơi dân gian và bắt vịt trên biển. Ngoài ra còn có các hoạt động thể thao và trò chơi mang đậm nét dân gian như: Chung kết giải bóng chuyền bãi biển Thành phố, giải bi sắt Cần Giờ mở rộng, bóng đá cà khêu, biểu diễn Lân - Sư - Rồng, võ thuật, cờ tướng, thả diều nghệ thuật, biểu diễn rối nước, biễu diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp…
Trong thời gian diễn ra lễ hội, lãnh đạo huyện sẽ thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức hội thi làm lồng đèn, vẽ tranh và triển lãm tranh thiếu nhi, tổ chức xe sách lưu động phục vụ thiếu nhi…
Đây là lễ hội truyền thống ngư dân Cần Giờ. Lễ hội Nghinh "Ông", hay là lễ cúng cá "Ông" (cá voi) gắn liền với tục thờ cá Ông phổ biến từ đèo Ngang trở vào đến Hà Tiên, đảo Phú Quốc, là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Bằng nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh "Ông", lễ nghinh ông Thuỷ tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên.