Sáng 2/10, lễ khai trương triển lãm trưng bày các di tích, di vật tiêu biểu về Thăng Long – Hà Nội với tên gọi “Hoàng thành Thăng Long – lịch sử nghìn năm từ lòng đất” đã được tổ chức tại khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Đây là lần đầu tiên các di tích, di vật về Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội sau khi khai quật tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu được trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến nhân dân cả nước và du khách quốc tế.
Triển lãm được Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức, trưng bày gần 1.000 hiện vật tiêu biểu, tái hiện Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử là thời Đại La, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng và Nguyễn. Trong đó có 230 hiện vật được tìm thấy tại khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và 709 hiện vật do viện Khoa học Xã hội Việt Nam hỗ trợ cung cấp. Được trưng bày theo 3 chuyên đề: vật liệu xây dựng kiến trúc cung điện trong Hoàng cung, đời sống Hoàng cung và mối giao lưu văn hóa giữa Thăng Long với quốc tế qua hiện vật gốm sứ, các hiện vật được trưng bày trong triển lãm chủ yếu là gạch, ngói xây dựng cung điện có hoa văn trang trí; các lá diềm trang trí (hình phượng, rồng); đồ dùng sinh hoạt trong cung đình (bát, đĩa, bình, lư hương, liễn, chậu hoa...); các bức tượng (sư tử, rồng) trang trí trên mái ngói cung điện... Qua đó, người xem có thể hiểu được những nét văn hóa đặc trưng và tinh hoa kiến trúc của các triều đại.
Ngoài các hiện vật được giới thiệu trong nhà trưng bày N31-N33 và nhà Cục tác chiến, du khách còn được trực tiếp xem một phần các di tích đang được bảo tồn nguyên trạng dưới lòng đất tại khu A và khu B của khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan từ khu Thành cổ Hà Nội sang khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, ban quản lý khu di tích đã sử dụng nhiều phương án như: dùng đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn giảm tốc độ...
Bên cạnh phần trưng bày các di vật tiêu biểu về Hoàng thành Thăng Long, trong khu di tích Thành cổ Hà Nội còn tổ chức trưng bày các hiện vật và tư liệu cách mạng tại hầm và nhà D67; trưng bày tư liệu mới về Thành cổ Hà Nội tại nhà N14 và triển lãm hoa, cây cảnh, đồ cổ… tại khu vực Hậu Lâu.
Triển lãm trưng bày các hiện vật lịch sử lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội với tư cách là di sản văn hoá thế giới đến với đông đảo người dân trong nước cũng như du khách quốc tế. Triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan đến hết tháng 10/2010.
Thúy Hằng (biên tập)