Với vai trò là thành phố (TP) hạt nhân, động lực cùng với những tiềm năng, thế mạnh của một vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hoá, thành phố Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung đã có những nỗ lực để phát triển du lịch trên địa bàn.
Doanh thu du lịch ngày càng tăngNhững năm qua, ngành du lịch có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của TP Huế. Ngành du lịch tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp khách sạn, nhà hàng, nhà vườn sinh thái, gắn với tổ chức các hoạt động lễ hội, festival, tạo ra những sản phẩm du lịch mới có chất lượng. Hiện, số cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TP lên tới con số 6.351, tăng 1,8 lần so với 5 năm về trước và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Lượng khách đến Huế năm 2010 ước đạt 1.500 ngàn lượt người; trong đó, khách nước ngoài ước đạt 800 ngàn người. Riêng về doanh thu, dự kiến đạt 830 tỷ đồng, tăng hơn 2,2 lần so với năm 2005. Ngành du lịch ở Huế đóng góp tích cực trong việc tạo ra việc làm và giảm nghèo trên địa bàn. Chưa có một con số chính xác, nhưng hiện nay tỷ lệ lao động du lịch tại TP Huế được xác định là chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động của TP. Sự đầu tư cho du lịch đã thực sự góp phần làm cho bộ mặt đô thị Huế ngày càng khang trang.
Khách du lịch đến Thừa Thiên Huế chủ yếu chọn điểm đến TP Huế vì nơi đây tập trung các sản phẩm cốt lõi du lịch của tỉnh: Quần thể di tích Cố đô Huế-di sản văn hoá thế giới, các di tích lịch sử cách mạng, bảo tàng, công trình kiến trúc tôn giáo… Thêm vào đó, các điểm du lịch nằm ngoài địa bàn không quá cách xa TP Huế là những lý do cắt nghĩa vì sao khách du lịch đến Huế hàng năm chiếm trên 90% tổng lượng khách đến Thừa Thiên Huế.
Cũng cần nói thêm, nằm giữa hai đầu đất nước, giao thông thuận lợi, đặc biệt, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của Huế rất yên bình là nguyên nhân khiến du khách chọn Huế là điểm đến. Qua thống kê, tỷ lệ khách quốc tế và nội địa đến du lịch tại Huế gần như tương đương nhau.
Chất lượng “điểm đến” còn hạn chếHuế là một trong những điểm nhấn chính của du lịch Việt Nam, nhưng nếu so với tổng khách ở Việt Nam, khách du lịch đến Huế chỉ chiếm khoảng 25%. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của du lịch Huế chưa được quảng bá, xúc tiến phù hợp; số lượng điểm đến nhiều nhưng chất lượng điểm đến chưa được đầu tư cao; sản phẩm du lịch-dịch vụ còn thấp… Một kết quả khảo sát của TP Huế cho thấy, khách nội địa quay trở lại Huế chiếm gần 39% trong khi quốc tế đến Huế chỉ chiếm dưới 10%. Những năm gần đây, loại hình du lịch kết hợp với kinh doanh, hội nghị, hội thảo đang có xu hướng tăng mạnh ở Việt Nam và các nước trong khu vực, nhưng ở Huế vẫn đang chiếm tỷ lệ thấp.
Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo, các ban, ngành của tỉnh và UBND TP Huế, ông Nguyễn Quốc Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng, để thu hút khách du lịch cũng như kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tỉnh và TP Huế phải nghiên cứu để thúc đẩy phát triển các khu nghỉ dưỡng, đầu tư các khu vui chơi giải trí chứ không chỉ dừng lại ở việc đầu tư xây dựng khách sạn.
Để du lịch Huế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Huế lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra là xây dựng Huế xứng đáng là trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc… Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhấn mạnh: Tập trung tối đa mọi nguồn lực và chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng Huế trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực, ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Gắn du lịch với văn hoá, di sản; văn hoá với di tích, cảnh quan thiên nhiên, liên kết với các vùng, miền, khu vực, quốc tế… Xây dựng hoàn chỉnh TP Festival đặc trưng của Việt Nam, tạo điều kiện đưa du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong ngành dịch vụ, trở thành thương hiệu mạnh, hấp dẫn du khách và bền vững.
Giữ vai trò là đô thị hạt nhân, đô thị động lực, hơn lúc nào hết, TP Huế phải quan tâm nhiều hơn đến phát triển du lịch trên địa bàn, để những nội dung mà Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh, TP thực sự đi vào cuộc sống. Điều rất mừng là, mới đây UBND TP Huế ban hành quyết định về việc phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển bền vững du lịch TP đến năm 2020. Đề án chỉ ra những thế mạnh của TP Huế về phát triển du lịch và định hướng phát triển du lịch của TP Huế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP nói riêng và của tỉnh nói chung; phát triển TP Huế thành một điểm đến quốc tế có thương hiệu nổi tiếng. TP cũng đưa ra tầm nhìn phát triển và huy động nguồn lực tốt nhất cho phát triển du lịch ngang tầm khu vực và quốc tế. Việc quy hoạch cũng nhằm đưa ra những mục tiêu phát triển du lịch, những chính sách và giải pháp hiệu quả nhằm khai thác, bảo tồn và phát triển những tài nguyên du lịch của TP theo hướng bền vững; gợi ý và xác định những điểm, dự án du lịch chính với mức độ ưu tiên về đầu tư, sử dụng đất, nguồn nhân lực, cơ chế quản lý và điều hành, xúc tiến tiếp thị để khai thác tối đa những tiềm năng du lịch ở Huế. Trong đề án quy hoạch này, TP còn đưa ra những chiến lược phát triển du lịch; sản phẩm du lịch, thị trường và thương hiệu, kế hoạch hành động cho những dự án quan trọng; giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch.
Rõ ràng, TP Huế đã bắt đầu có những nỗ lực mới để đẩy mạnh phát triển du lịch lên một tầm cao hơn. Tất nhiên, để phát triển du lịch, TP cần có những định hướng về thể chế và chính sách cụ thể trong các lĩnh vực có liên quan; đồng thời, hệ thống chính sách cần đồng bộ cùng hướng tới mục tiêu chung của phát triển du lịch, phát triển kinh tế của TP.
Đề án quy hoạch phát triển bền vững du lịch TP đến năm 2020 sẽ được triển khai từng bước với những nội dung quan trọng. Để thực hiện hiệu quả đề án cũng như những nội dung mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, TP đề ra đối với phát triển du lịch, thì chính quyền TP luôn rất cần sự quan tâm của tỉnh, các ban, ngành, nhất là sự bắt tay phối hợp với ngành văn hoá-thể thao và du lịch.