Trong 2 ngày 27 và 28/11, tại làng Phong Lệ (xã
Hòa Châu, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã diễn ra Lễ hội mục đồng (lễ hội dành cho trẻ
chăn trâu). Đây là lần đầu tiên lễ hội này được phục dựng sau hơn 70 năm gián
đoạn (từ 1936).
Lễ đã được tổ chức với quy mô lớn, ngoài những
nghi thức cổ truyền xưa, còn có các trò chơi dân gian, biểu diễn hát tuồng cổ.
Theo truyền thuyết, Lễ rước mục đồng ở làng Phong Lệ đã xuất hiện từ rất lâu.
Làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ. Một ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn,
chân vịt bỗng dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Vì cho là có
thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn, từ đó cồn có tên là cồn Thần.
Một hôm, có đàn trâu trong làng chạy lạc đến cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm
nhưng không hề hấn gì. Từ đó có tiếng đồn là cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu
đến gần mà thôi. Câu chuyện lạ lùng ấy, sau nhiều thế hệ dần dần hình thành một
lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là Lễ rước mục đồng.