Triển lãm Mỹ thuật Khánh Hòa 2010
Cập nhật: 17/12/2010
Với 51 tác phẩm của 25 họa sĩ được trưng bày, Triển lãm Mỹ thuật Khánh Hòa 2010 vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (5 đường 2/4, TP. Nha Trang) đã vẽ nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về hoạt động mỹ thuật của tỉnh trong năm qua. Ở đó, những mảng màu, đường nét, hình khối chính là dấu ấn của sự nỗ lực, của những điều được và chưa được trong một năm lao động nghệ thuật của các họa sĩ.

Triển lãm Mỹ thuật Khánh Hòa 2010 vừa là hoạt động kỷ niệm 59 năm ngày Mỹ thuật Việt Nam (10/12/1951 – 10/12/2010), vừa là dịp để đội ngũ họa sĩ trong tỉnh có dịp nhìn lại khoảng thời gian lao động nghệ thuật của mình trong năm qua. Bước vào không gian của nghệ thuật, của những tấm lòng người họa sĩ dành tặng nhau, dành tặng cho công chúng yêu hội họa, người xem như thấy được sự trĩu nặng tâm tình từ mỗi bức tranh. 51 tác phẩm chính là 51 mảnh ghép nhỏ của hiện thực cuộc sống đã được người họa sĩ ấp ủ, chắt lọc và thể hiện nó bằng tất cả tài năng, sự thăng hoa trong quá trình lao động nghệ thuật để gửi tới người xem những thông điệp về giá trị chân - thiện - mỹ. Mỗi tác giả mang đến triển lãm những bức tranh thể hiện phong cách của bản thân để mong muốn được giao lưu, chia sẻ với đồng nghiệp, với công chúng. Nếu như họa sĩ Lê Vũ mang đến triển lãm tác phẩm thư họa “Nhạc sĩ Văn Cao” bằng chất liệu mực nho, than chì vẽ trên giấy xuyến chỉ, giấy điệp; thì họa sĩ Lê Bá Điếu lại mang đến tác phẩm gò đồng “Được mùa”… Đó như những điểm nhấn tạo ấn tượng cho phòng triển lãm. Ngoài ra, các tác phẩm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bột màu, acrylic, sơn mài cũng để lại những cảm nhận mới cho người xem. Trong triển lãm lần này, những đề tài được các họa sĩ tập trung thể hiện nhiều vẫn là đề tài thiếu nữ với các tác phẩm: “Thiếu nữ áo hoa vàng” (Kinh Dinh), “Thiếu nữ và biển” (Trần Văn Thanh), “Thiếu nữ” (Bùi Văn Quang)…; tranh phong cảnh có các tác phẩm: “Ngoại ô” (Nguyễn Hữu Bài), “Xóm Bóng Nha Trang” (Nguyễn Đức Linh), “Đường quê” (Kinh Dinh), “Xóm chài” (Lê Văn Duy), “Phố biển ngày mới” (Vũ Hồng Linh)…; cảnh sinh hoạt có các bức “Nắng gắt” (Trần Hà), “Trẻ em làng Chăm” (Nguyễn Đức Linh), “Bán cua” (Tôn Thất Anh), “Chợ phiên Bắc Hà” (Nguyễn Mạnh Tiến)…

Nhìn chung, đa số các tác phẩm đều đã phản ánh được hơi thở của hiện thực cuộc sống. Có một số bức tranh, người họa sĩ đã lồng được chất triết lý vào trong tác phẩm để hướng người xem tư duy đến những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh.
Báo Khánh Hòa