Cà Mau là mảnh đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc, được thiên nhiên ưu đãi các vùng sinh thái đa dạng, đang trở thành nơi thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Điểm nổi bật trong du lịch Cà Mau là loại hình du lịch sinh thái. Rừng ngập mặn, rừng phòng hộ đê biển Tây, rừng ngập U Minh Hạ được công nhận là khu dụ trữ sinh quyển thế giới đã thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đất Mũi là nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Cà Mau, nơi đây có cột mốc tọa độ quốc gia phía Nam mà người Việt Nam nào cũng muốn một lần được đặt chân đến.
Rừng ngập U Minh Hạ nổi tiếng từ lâu và cũng là một điểm du lịch khá hấp dẫn và thú vị. Đến với các khu du lịch sinh thái này, du khách không chỉ được ngắm nhìn các khu rừng với hệ sinh thái đặc trưng hiếm có mà còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản như cá lóc nước trui, cá rô kho tộ, lẩu lươn U Minh, mật ong rừng tràm… Đi thuyền máy, canô cao tốc để đến các điểm du lịch sinh thái cũng là một trải nghiệm thú vị đối với du khách.
Song song với phát triển du lịch sinh thái là phát triển các loại hình du lịch văn hóa, lễ hội. Lễ hội Nghinh Ông (cúng cá voi của người dân vùng biển) ở thị trấn Sông Đốc không chỉ dành cho người dân địa phương mà còn thu hút rất nhiều du khách.
Đờn ca tài tử - nét sinh hoạt văn hóa độc đáo chỉ có ở các tỉnh phía Nam cũng có sức hấp dẫn lớn đối với những người muốn tìm hiểu và thưởng thức văn hóa-văn nghệ, được lồng ghép trong các chuyến du lịch sinh thái, biểu diễn trong những lúc du khách nghỉ ngơi hoặc ăn uống.
Một loại hình du lịch văn hóa chỉ có riêng và duy nhất ở Cà Mau chính là tham quan nhà bác Ba Phi (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) và nghe chuyện kể bác Ba Phi - người nông dân trở thành một nghệ nhân với những câu chuyện kể hài hước và đặc sắc về rừng U Minh và sông nước Cà Mau.
Để phát triển du lịch, tỉnh Cà Mau đang đầu tư xây dựng các tuyến đường nội bộ trong các khu du lịch sinh thái, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng và mở rộng các khu nghỉ ngơi, lưu trú tại các điểm du lịch.
Nhằm nâng cao chất lượng du lịch, Sở VHTTDL Cà Mau thường xuyên kiểm tra các khách sạn để đảm bảo chất lượng sử dụng phòng ở, kiểm tra các khu du lịch để đảm bảo chất lượng phục vụ, kịp thời ghi nhận những phản ảnh của du khách, làm cơ sở cho công tác quản lý và phát triển du lịch.
Tỉnh cũng liên kết với các tỉnh lân cận như Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ,Thành phố Hồ Chí Minh… về du lịch sinh thái và du lịch văn hóa (đờn ca tài tử, cải lương) nhằm tạo điều kiện cho các công ty kinh doanh lữ hành hợp tác với nhau trong việc tổ chức các chuyến du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ và ổn định về lượt du khách.
Về lâu dài, Cà Mau sẽ tập trung hơn nữa vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đường giao thông đi đến các khu du lịch và đường nội bộ trong khu du lịch sinh thái, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng khu nghỉ ngơi, ăn uống, lưu trú tại các điểm du lịch; phấn đấu đưa Cà Mau trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại miền Tây Nam bộ.
Năm 2010, Cà Mau đã đón hơn 760.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 50.000 lượt khách so với năm 2009. Đặc biệt, các điểm du lịch đã đón 14.600 lượt khách du lịch quốc tế, đây là con số khá cao so với các năm trước, cho thấy Cà Mau đang dần trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch trên thế giới.