Tại hội
nghị gặp mặt các nhà văn hóa, khoa học đã có đóng góp cho hoạt động kỷ niệm
1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội đã tôn vinh 154 nhà văn hóa, khoa học có
đóng góp xuất sắc cho hoạt động kỷ niệm Đại lễ.
Thành công
của các hoạt động kỷ niệm Đại lễ có sự đóng góp tích cực, tâm huyết, trí tuệ,
hiệu quả của các nhà khoa học, các nhà hoạt động văn hóa, các văn nghệ sĩ, nhà
nghiên cứu, các hội đồng tư vấn, hội đồng nghệ thuật.
Tiêu biểu
cho các đóng góp đó là các công trình vật thể, phi vật thể như: Tủ sách Thăng
Long ngàn năm văn hiến, Bách khoa thư Hà Nội, Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng
Long, chương trình khoa học KX09, Thư viện Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Rạp Đại
Nam, Rạp Kim Đồng, Rạp Công Nhân, Tượng đài Thánh Gióng, tu bổ Thăng Long Tứ
trấn, các chương trình văn hóa nghệ thuật trong Đại lễ kỷ niệm mà tiêu biểu là
Lễ khai mạc sáng 1.10.2010 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, chương trình Đêm Hồ Gươm
lung linh, Đêm hội văn hóa nghệ thuật đặc biệt tối 10.10.2010 tại Sân vận động
Mỹ Đình...
Đặc biệt,
đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thành phố vinh dự đón nhận 3
danh hiệu di sản thế giới cho khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, 82 Bia đá
Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lễ hội Gióng, trong đó có sự đóng góp tận
tâm, tận lực của các GS Phan Huy Lê, Lưu Trần Tiêu và các nhà khoa học, lịch
sử...
Phát biểu
tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã bày tỏ
sự cảm ơn chân thành, sâu sắc tới các nhà văn hóa, khoa học đã có đóng góp tích
cực cho hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông Phạm Quang Nghị
khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, tăng cường tổ chức tiếp xúc, lắng
nghe ý kiến, xây dựng cơ chế đãi ngộ, cơ chế sử dụng, phát huy nguồn lực chất
xám của các nhà văn hóa, khoa học, tri thức thủ đô và tin tưởng rằng với sự
đóng góp trí tuệ, công sức của các nhà văn hóa, khoa học, Hà Nội sẽ phát triển
xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.