Ngày 7/5 tại Sơn Tây (Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về những giá trị của di tích làng cổ Đường Lâm.
Hội thảo do Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Trường Đại học Chiba (Nhật Bản), UBND thị xã Sơn Tây phối hợp tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý di sản văn hoá trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự trong nước và quốc tế đã cùng đi đến nhận định: Di tích lịch sử quốc gia làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây-Hà Nội) hội đủ những giá trị và tiêu chí để lập hồ sơ trình UNESCO xem xét, công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Các chuyên gia cũng đề nghị, song song với việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, các cấp chính quyền địa phương cần khẩn trương tiến hành làm các thủ tục để cấp có thẩm quyền cho phép triển khai xây dựng hồ sơ khoa học về di tích này để trình UNESCO xem xét, thẩm định và đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới.
Di tích làng cổ Đường Lâm nằm cách thủ đô Hà Nội chừng 47 km về phía Tây, cách trung tâm hành chính Thị xã Sơn Tây 5 km. Làng cổ bao gồm sự quy tụ của 5 thôn trong tổng số 9 thôn của xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây là: thôn Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Lâm với diện tích tự nhiên của Làng cổ khoảng 800,25 ha, dân số hơn 8000 người. Nơi ấy đã được nhiều người biết đến với những cái tên rất thuần Việt như “Làng Việt cổ”, “Làng cổ đá ong Đường Lâm”, hay địa danh “ấp hai Vua”. Cũng như rất nhiều làng quê của Thủ đô thời mở rộng nói riêng và cả nước nói chung đang hội nhập và hoà mình với dòng chảy công nghiệp hoá - hiện đại hoá, thế nhưng cái Làng Việt cổ ấy ở một vị trí rất gần với đô thị lại vẫn ẩn chứa và giữ trong mình một kho tàng những giá trị văn hoá, lịch sử đồ sộ và rất quý báu. Đó là thành quả của quá trình lao động, sự sáng tạo, trí tuệ và những đôi bàn tay khéo léo của bao thế hệ người nông dân được sinh ra, lớn lên và tồn tại ở vùng quê “địa linh nhân kiệt” – xứ Đoài mây trắng. Nếu du khách đến với phố cổ Hội An (Quảng Nam) để được tham quan, tìm hiểu những giá trị văn hoá đặc trưng của cuộc sống đô thị hồi thế kỷ 16 – 17 ở xứ Đàng Trong với những ngôi nhà, phong tục, lễ hội, ẩm thực, kiến trúc đại diện cho những tầng lớp thương gia phong kiến nơi phố Hội có những nét pha trộn du nhập nền văn hoá bang giao như của xứ sở Phù Tang, Pháp, Bồ Đào Nha, Trung Quốc thì khi đến với làng Việt cổ đá ong Đường Lâm, họ lại được hoà mình, được chiêm ngưỡng một “bảo tàng sống” về lối sống nông nghiệp – nông thôn Việt Nam. Nó rất đặc trưng, điển hình cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước, gắn liền với hai con sông huyền thoại, đó là Hồng Hà và Tích Giang. Hầu như những “tài sản văn hoá” vô hình hay hữu hình rất đa dạng, phong phú của người nông dân Việt Nam vẫn còn được bảo tồn và gìn giữ ở nơi đây. Đó là những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể quý báu.