Làm quen với Đông Nam Á nhân dịp 1/6
Cập nhật: 30/05/2011
Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) đã tổ chức chương trình “Làm quen với Đông Nam Á” với sự giúp đỡ của đại sứ quán các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Việt Nam vào ngày 28 và 29/5/2011. Đây là dịp để trẻ em Việt Nam và trẻ em các nước ASEAN giao lưu, tìm hiểu văn hóa của nước bạn, qua đó thấy được sự đa dạng, tương đồng và khác biệt về văn hoá giữa các nước trong khu vực.

Trong 2 ngày diễn ra chương trình, các em đã tự giới thiệu về văn hoá của đất nước mình thông qua các hoạt động trình diễn như: các điệu múa của In-đô-nê-xi-a (Tari pendet, Chào mừng khách), của Lào (Tiếng khèn Lào, Quê hương tươi đẹp); các bài hát Ma-lay-xi-a, Căm-pu-chia và Việt Nam; trình diễn trang phục của Bờ-ru-nây, My-an-ma, In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Căm-pu-chia, Lào, Sin-ga-po, Thái Lan, Việt Nam. Nhiều em đã thử mặc những bộ trang phục này và chụp ảnh lấy ngay để làm kỷ niệm.

 

Sự tương đồng và khác biệt về văn hóa giữa các nước ASEAN được thể hiện rõ khi các em tham gia các trò chơi dân gian, như: Đi trên gáo dừa của Lào, Thái Lan và In-đô-nê-xi-a; Ô ăn quan của In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin và Việt Nam; Sang sông của Phi-lip-pin và Việt Nam; Kéo co của Thái Lan và Việt Nam; Đánh quay của Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam; Chồng nụ chồng hoa của My-an-ma, Phi-lip-pin và Việt Nam...

 

Ngoài ra, chương trình còn có nhiều trò chơi khác mang đặc trưng cho mỗi quốc gia trong ASEAN như: Trộm trứng rùa (Lào); Đội bình gốm (Căm-pu-chia); Đuổi bắt trong ô vuông (Phi-lip-pin), Cắp cua bỏ giỏ, Đồ, Nhảy dây chun, Gẩy chun, Tập làm họa sỹ, Thợ săn và đàn vịt trời (Việt Nam)...

 

Một hoạt động hấp dẫn khác là tìm hiểu về các nước Đông Nam Á thông qua các trò chơi đơn giản và vui nhộn. Với hình thức học mà chơi này, các em dễ dàng nhận biết được quốc kỳ, di sản văn hóa và tiền tệ của từng quốc gia trong ASEAN.

 

Đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam dịp này, các em còn được hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian bằng lá (tết con châu chấu, cá, bông hoa); làm và biểu diễn con rối bằng tre; làm các con vật bằng cách cuộn giấy; làm quạt giấy kiểu truyền thống với thợ thủ công đến từ Chàng Sơn, Hà Nội. Bên cạnh đó, hoạt động “Vui học câu đố dân gian”, cũng đã được tổ chức để giúp các em khám phá về thế giới xung quanh qua các câu đố về cây, quả, hoa và các con vật...

 

Phương Anh (TTTTDL) tổng hợp