Đề nghị công nhận 3 bảo vật quốc gia tại bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Cập nhật: 27/07/2011
Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho 3 hiện vật quý, độc bản hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, đó là: đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ tát Tara và đài thờ Trà Kiệu.

Đài thờ Mỹ Sơn E1 có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 7 - 8, tiêu biểu cho loại hình đài thờ tại khu đền tháp Mỹ Sơn. Đây là công trình chứa đựng nhiều cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về điêu khắc và kiến trúc của di tích Mỹ Sơn nói riêng và văn hóa, tín ngưỡng Chămpa nói chung. Về kiến trúc, đài thờ Mỹ Sơn E1 có kích thước lớn, gồm nhiều mảnh đá ghép lại, có gờ mộng bên trên. Những hình ảnh chạm khắc xung quanh thân đài thờ tiêu biểu cho đời sống tâm linh và đời sống xã hội của nền văn minh Chămpa cổ đại khi miêu tả khá chi tiết cảnh sinh hoạt hàng ngày trong rừng của các tu sĩ…. Theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật, những đường nét điêu khắc trên cho thấy đài thờ mang phong cách được cho là ổn định sớm nhất trong lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc Chămpa (phong cách Mỹ Sơn E1).  

Tượng Bồ Tát Tara có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ thứ 9 đầu thế kỷ thứ 10. Đây là pho tượng nghệ thuật Chăm bằng đồng lớn nhất, thể hiện hoá thân của Bồ tát Avalokitesvara dưới tên gọi Tara. Bồ tát được tạo hình đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước, tay trái cầm tù và ốc, tay phải cầm hoa sen nở, bên trong có gương sen. Bồ tát khoác sarong hai lớp, dài từ thắt lưng đến mắt cá chân. Tượng Bồ tát Tara đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình bởi nét đẹp cân đối, hài hòa với cổ cao ba ngấn, đôi vai rộng, eo thon nhỏ. Bồ tát có miệng rộng, môi dày, mũi cao, hai cánh mũi rộng, bên trong đôi mắt lớn hình hạnh nhân có đồng tử được khảm bằng một loại đá quý. Khuôn mặt tượng và các chi tiết trang trí được các nhà nghiên cứu cho là đặc trưng tiêu biểu của phong cách Đồng Dương.  

Có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10, đài thờ Trà Kiệu tiêu biểu cho sự tồn tại của kinh thành Simhapura của vương quốc Champa. Đài thờ được làm bằng sa thạch, cao 176cm, gồm có hai phần: phần trên là bộ Linga – Yoni; phần dưới là một thớt tròn cao 38cm, đường kính 138cm và một khối hình vuông, cạnh 190cm, cao 52cm. Bốn mặt quanh khối vuông của đài thờ chạm trổ nhiều hình người. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đó là những trích đoạn của trường ca Ramayana. Mặt A là cảnh Rama kéo gãy cung thần Kamsa của thần Rudra và được vua Yanak gả công chúa Sita, mặt B thể hiện cảnh hoàng tử Rama và đoàn tuỳ tùng dâng lễ vật lên vua Yanak, mặt C thể hiện cảnh rước dâu và mặt D là cảnh múa Apsara chúc mừng đám cưới của Rama và Sita. Những hình ảnh chạm khắc này thể hiện hoàn chỉnh một chủ đề trong thần thoại, là cơ sở quan trọng để các chuyên gia nghiên cứu tín ngưỡng và so sánh các phong cách nghệ thuật Chămpa.  

Nếu được công nhận, 3 hiện vật trên sẽ là những bảo vật quốc gia đầu tiên của thành phố Đà Nẵng, và mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Phạm Phương (TTTTDL)