Việc Thành nhà Hồ, một di tích lịch sử hơn 600 năm tuổi của huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vừa là niềm tự hào của Thanh Hóa và Việt Nam nhưng cũng đặt ra không ít thách thức và việc cần làm. Bảo tồn là nhiệm vụ hàng đầu nhưng việc đưa một danh thắng hiếm có vào khai thác để phục vụ khách du lịch cũng được đặt ra với hàng núi công việc.
Một kì quan kiến trúc hiếm cóĐứng trước cổng tòa thành cổ kính này mới thấy đây là một “bảo tàng” hiếm có còn lưu giữ khá nguyên vẹn nhiều hiện vật cực kì quý giá mang đậm dấu ấn văn hóa, kinh tế, quân sự của một giai đoạn lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà Thành nhà Hồ được đánh giá là một công trình kiến trúc độc đáo, một biểu tượng kiệt xuất của những công trình thành cổ được xây dựng bằng chính bàn tay của người Việt.
Bốn cổng thành gần như còn nguyên vẹn với những phiến đá lớn nặng và kiên cố, được gắn với nhau mà không cần đến một chất kết dính nào trong một khoảng thời gian rất ngắn vẫn cực kì bền vững dù đã trải qua mưa gió hơn 600 năm, tường thành cơ bản vẫn giữ được những đoạn được đắp bằng phù sa... Tại đây, mặc dù mới chỉ phát lộ một số điểm phục vụ công tác khảo cổ nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy cơ hội nghiên cứu có giá trị trên toàn bộ diện tích thành.
Đáng chú ý nhất là Đàn tế Nam Giao được đánh giá là nguyên vẹn và có giá trị nhất Việt Nam cho đến thời điểm này, rộng lên đến 20.000m², nằm cách Thành nhà Hồ khoảng 2,5 km. Giá trị của đàn tế này không chỉ nằm ở ý nghĩa lịch sử mà còn bởi sự nguyên vẹn đến tận ngày nay. Tiếp đó là trục đường Hoàng gia mang tên Hòe Nhai, vốn là đường để các quan vào chầu vua ngày xưa, bây giờ đã được phát lộ một phần. Mặc dù mới chỉ khảo sát khoảng 300m² nhưng các nhà khoa học cho rằng, cơ hội tìm thấy “con đường Hoàng gia” nguyên bản là rất lớn bởi nền đường bằng đá khá kiên cố vẫn chạy theo đúng hướng đường cổ và từ trước tới nay chưa ghi nhận sự phá hủy đáng kể nào…
Cam kết tôn tạo và khôi phục nguyên trạng Theo những khảo sát mới nhất, Thành nhà Hồ gồm một phức hợp di sản bao gồm tòa thành đá, La thành và hào thành, các di sản khảo cổ dưới lòng đất, dấu tích con đường Hoàng gia, các làng cổ và toàn bộ cảnh quan sông núi phân bố trên một vùng đất rộng 5.840 ha phản ánh lịch sử phát triển và sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và các nước Đông Á, Đông Nam Á trong khoảng cuối thế kỷ 14 - đầu thế kỷ 15.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Hữu Nhẫn, Phó GĐ Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kế hoạch về khảo cổ học cũng như tiếp tục tu bổ, tôn tạo một số hạng mục ở đây.
Trước đó, một trong những tài liệu quan trọng được đệ trình lên UNESCO để công nhận Thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới là những cam kết thực hiện đúng Công ước của UNESCO trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết trong kế hoạch quản lý 5 năm (2011-2015) sẽ thực hiện tốt 10 phần việc quan trọng.
Một trong những công việc đầu tiên đã bắt đầu được thực hiện là tiến hành nghiên cứu và phát lộ một phần Con đường Hoàng gia trong vùng đề cử. Tiếp theo là thực hiện công tác nghiên cứu tổng thể, bổ sung tư liệu để đưa các làng nghề truyền thống Đông Môn, Xuân Giai và Tây Giai, đền thờ Trần Khát Chân vào khu vực đề cử.
Một công việc khác cũng sẽ được tiến hành là lập kế hoạch điều tra tổng thể nhằm đưa ra ranh giới khoanh vùng bảo vệ mới cho các hang động và thắng cảnh liên quan đến tổng thể cảnh quan thiên nhiên Thành nhà Hồ. Đồng thời tiếp tục thực hiện việc kiểm kê để bổ sung tư liệu một cách có hệ thống toàn bộ các di tích liên quan đến di sản Thành nhà Hồ.
Việc thực hiện điều tra tổng thể và làm thủ tục công nhận bổ sung toàn bộ hệ thống La thành là Di sản cấp Quốc gia, xây dựng và thực hiện tốt chương trình khảo cổ học chiến lược đối với khu vực di sản cũng đã được đặt ra như những nhiệm vụ cấp bách...
Quảng bá và đầu tư để thu hút khách du lịch
Một nhiệm vụ quan trọng được Thanh Hóa quan tâm đặc biệt là tập trung phát triển du lịch, để Thành nhà Hồ trở thành điểm nhấn hấp dẫn trong những điểm đến của du lịch xứ Thanh. Hiện đã có nhiều tour, tuyến du lịch đến Di sản Thành nhà Hồ, cùng đó là các làng nghề truyền thống lân cận như Đông Môn, Xuân Giai… với mục đích để di sản ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên theo thống kê mới nhất thì mới chỉ có khoảng 300 khách du lịch đến đây mỗi ngày, chủ yếu là khách vãng lai tiện đường tour ghé vào, sinh viên chuyên ngành khảo cổ, những nhà khoa học, nhà nghiên cứu... cho thấy điểm đến này chưa thực sự hấp dẫn cho dù đây là di tích mới được công nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới.
Đơn giản chỉ vì những hạng mục quan trọng của di sản chưa được phát lộ nhiều, đồng thời hạ tầng du lịch ở đây hầu như chưa có gì. Một số hạng mục phụ trợ của danh thắng như hang động, các làng nghề truyền thống dường như mới nằm trên kế hoạch khôi phục và chờ khám phá. Lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết, đã mời nhiều công ty lữ hành tới khảo sát trực tiếp và xây dựng tour để đưa khách đến đây nhưng xem ra động thái này chưa đem lại hiệu quả mong muốn.
Trước mắt, cũng có một số tour du lịch đã nối dài hành trình để khách có thể tham quan Thành nhà Hồ nhưng đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ quý giá như vậy, Thành nhà Hồ chờ đợi sự đầu tư tôn tạo, xây dựng hạ tầng lớn hơn, đồng bộ hơn rất nhiều để có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước.