Nhằm suy
tôn Thánh mẫu Thiên Y A Na, vào ngày 7/8/2011 vừa qua, tại núi Ngọc Trản, xã
Hương Hồ, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), hàng ngàn người hành hương đã đổ
về tham dự lễ hội Điện Hòn Chén.
“Tháng bảy
vía cha, tháng ba vía mẹ”. Hàng năm, cứ vào dịp Xuân tế (tháng Ba), Thu tế
(tháng Bảy), người dân khắp miền Trung nô nức đi lễ hội điện Hòn Chén. Đã từ
lâu, câu nói quen thuộc này được từng người dân Huế nhắc đến khi nghĩ về lễ hội
như một dịp tri ân với người cha sông núi, người mẹ xứ sở. Bởi rằng, thần linh
cũng đều sinh ra từ cha và mẹ.
Theo truyền
thuyết, Thiên Y A Na Thánh Mẫu, nguyên xưa là nữ thần của người Chăm có tên là
Pô Yang Inô Nagar, gọi tắt là Pô Nagar, tức Thần Mẹ Xứ Sở, mà theo truyền
thuyết Chăm là Thần đã sáng tạo ra đất đai, cây cối, rừng gỗ quí, lúa, bắp...
và dạy dân cách trồng trọt.
Nghi lễ tại
Ðiện Hòn Chén (hay còn gọi Điện Huệ Nam) diễn ra rất long trọng. Dân
làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả
các vị thần trong làng về đình. Ðám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu từ Hòn Chén
đến đình làng Hải Cát tổ chức trọng thể hơn cả. Lễ hội giống như một festival
về văn hóa dân gian trên sông Hương, tấp nập những chiếc “bằng” (thuyền kết
đôi) với cờ phướn, hương án đủ màu sắc, hành hương về điện Hòn Chén, nơi thờ
Thánh Mẫu.
Trải qua
những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo
các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội
điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên
Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm
người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá
trị văn hóa truyền thống.