Để phục vụ lễ hội Katê 2011 diễn ra từ ngày 24 – 26/9/2011 (ngày
29/6 đến 1/7 theo lịch Chăm) tại tháp Pôshanư, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình
Thuận, Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận sẽ kết nối tour phục vụ du
khách trong và ngoài nước đến tham gia sự kiện văn hóa độc đáo này.
Đến với Trung tâm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hơn 100
hiện vật quý của vương quốc Chămpa thời vương triều Pôklong Mohnai có niên đại
từ thế kỷ 17 như: ấn kiếm, vương miện vua và hoàng hậu, các loại trang phục, đồ
dùng trong hoàng cung.... Đây là bộ sưu tập duy nhất còn lại sau gần 2.000 năm tồn
tại của vương quốc này. Ngoài ra, du khách cũng được xem 387 hiện vật đã được
phục chế và khoảng 150 bức ảnh nhằm mô tả, tái hiện lại những lễ hội, phong tục
tập quán của cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận.
Nhân dịp lễ hội Katê năm nay, Trung tâm sẽ mời bà Đơn Thị
Hiệu - nghệ nhân gốm ở làng Trì Đức, xã Phan Hiệp và bà Đào Thị Sâu – nghệ nhân
dệt ở làng Minh Mỵ, xã Phan Hoà đến trình diễn nghề để phục vụ khách tham quan.
Đặc biệt, Trung tâm còn mời 4 nghệ nhân gốm của làng Bầu Trúc, tỉnh Ninh Thuận
đến giao lưu, thi tay nghề, tổ chức trao giải thưởng từ phiếu bình chọn của du
khách.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức phục vụ du khách những
món ăn truyền thống của người Chăm như: thịt dê 3 món, gà nướng ăn với bánh
“Chà-cung”… Trong khi thưởng thức các món ăn, du khách sẽ được xem các chương
trình nghệ thuật dân gian Chăm đặc sắc như: biểu diễn trống Ginang, hát Kanhi, thổi
kèn Saranai…
Sau khi tham quan các khu trưng bày của Trung tâm, du khách
sẽ được hướng dẫn viên đưa đi thăm một số đền thờ các vua Chăm tại huyện Bắc
Bình như: đền thờ Po Nit (thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp); đền thờ Pôklong Mohnai
(thôn Lương Bình, thị trấn Lương Sơn); đền thờ Po Yang Thok (thôn Hòa Thuận,
thị trấn Chợ Lầu)…
Trung tâm Trưng bày văn hoá Chăm Bình Thuận tọa lạc ngay bên
cạnh Quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, cách
thành phố Phan Thiết hơn 65km về phía đông bắc. Với diện tích gần 3.500m² được mô
phỏng theo kiến trúc tháp Chăm, Trung tâm là nơi giới thiệu, bảo tồn những giá
trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của người Chăm trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận, bao gồm: khu trưng bày di sản văn hóa hoàng tộc Chăm; khu trưng bày
hình ảnh và cổ vật thuộc văn hóa Chăm; khu trưng bày nông, ngư cụ truyền thống
của người Chăm; khu trưng bày hiện vật và trình diễn làng nghề gốm; khu trưng
bày các loại nguyên liệu, công cụ, sản phẩm dệt thủ công cổ truyền; và khu
trưng bày nghiên cứu các sản phẩm văn hóa phi vật thể.
Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm được xây dựng đã tạo nên 1 sản
phẩm du lịch đặc thù cho địa phương. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm
đã trở thành một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn của tỉnh Bình Thuận, thu hút du
khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
Phạm Phương - Thúy Hằng (TTTTDL)