Giới thiệu Quần thể danh thắng Tràng An với UNESCO
Cập nhật: 25/08/2011
Vừa qua, đoàn đại biểu quốc tế tham dự Đại hội Thế giới lần thứ 8 của Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới (tổ chức từ ngày 18 đến 22/8 tại Hà Nội) đã đi thăm Quần thể danh thắng Tràng An và cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Với sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ 100 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên và 30 đại sứ các nước, đây là cơ hội để giới thiệu, quảng bá và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong việc đề nghị UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thiên nhiên thế giới.

                    Non nước Tràng An 
Cách Hà Nội hơn 90km về phía nam, với tổng diện tích 2.168ha, Quần thể danh thắng Tràng An thuộc địa phận các xã Trường Yên, Ninh Vân, Ninh Hải (huyện Hoa Lư); xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn); xã Ninh Nhất và phường Tân Thành (TP. Ninh Bình).  

Quần thể danh thắng Tràng An nằm gọn trong vùng núi đá vôi Hoa Lư hình cánh cung. Theo các nhà địa chất, Tràng An trước kia là một vùng biển cổ, sau được tạo nên bởi quá trình vận động địa chất. Những khe nứt sinh ra do sự vận động này đã dần hình thành các dòng chảy trong hang động đá vôi. Dưới chân nhiều ngọn núi đá vôi còn có các hàm ếch - là dấu tích sự xâm thực của nước biển. Núi đá vôi ở Tràng An cao 150 - 200m, mang đặc điểm nhiệt đới điển hình với đỉnh dạng tháp, vòm; sườn vách dốc đứng. Phần rìa của núi đá là các thung lũng bằng phẳng, dễ ngập nước vào mùa mưa tạo thành các hồ. Đặc điểm này tạo nên cảnh quan có nhiều dãy núi đá vôi thấp, trùng điệp bao quanh những hồ nước nối tiếp nhau, vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Trong hệ thống hang động ở Tràng An có loại hang nằm ngang, xuyên qua lòng các dãy núi lớn, ngập nước thường xuyên được gọi là hang xuyên thủy. Hiện nay, đã phát hiện được 48 hang xuyên thủy, nối liền 31 thung (hồ) ở Tràng An với tổng chiều dài 12.226m, trong đó có những hang dài hơn 1km như: hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây… Được ví như một trận đồ bát quái, quần thể hang động này chuyển nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia và cùng với các dãy núi, hồ nước tạo thành một thế trận liên hoàn, khép kín. Trong hang có nhiều nhũ đá mang hình thù độc đáo và sống động. Vì vậy, Tràng An còn được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” hay “bảo tàng địa chất ngoài trời”.  

Quần thể danh thắng Tràng An có hệ động thực vật rất phong phú. Hệ sinh thái trên cạn có khoảng hơn 600 loài thực vật, 200 loài động vật, trong đó nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: sơn dương, phượng hoàng đất... Hệ sinh thái dưới nước có khoảng 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, đặc biệt loài rùa cổ sọc được coi là động vật quý hiếm cần được bảo vệ.  

                          Chùa Bái Đính
Tại Tràng An, các nhà khoa học cũng đã khai quật được nhiều di vật là dấu tích của người tiền sử từ 5.000 - 30.000 năm trước ở hang Búi, hang Trống; núi đá hang Chợ, núi đá ông Hay, hang núi Thung Bình... Dưới thời Đinh và Tiền Lê, Tràng An là hệ thống phòng thủ phía nam của kinh thành Hoa Lư nên có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: đền Trình, đền Trần, phủ Khống... Đặc biệt, khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính ở Tràng An đang giữ nhiều kỷ lục Việt Nam như: chùa có diện tích lớn nhất, tượng Phật bằng đồng lớn nhất, chuông đồng lớn nhất, giếng ngọc lớn nhất, chùa có nhiều tượng La Hán nhất và nhiều cây bồ đề nhất.  

Quần thể chùa Bái Đính có diện tích 390ha, bao gồm: khu chùa Bái Đính mới rộng 80ha, khu chùa Bái Đính cổ rộng 27ha và các khu vực bổ trợ khác. Khu chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) gồm 5 hạng mục kiến trúc được xây dựng theo đường chính đạo là: Tam quan nội, tháp chuông, điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, điện thờ Pháp Chủ và điện Tam Thế. Cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m về phía đông nam là khu chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự), gồm có: nhà tiền đường ở giữa, bên phải là hang sáng thờ Phật và đền thờ thần Cao Sơn, bên trái là đền thờ Đức thánh Nguyễn Minh Không và động tối thờ Mẫu.  

Trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ tập trung bảo tồn, tôn tạo và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên để thu hút khách du lịch, tạo đòn bẩy thuận lợi cho kinh tế địa phương phát triển bền vững; đồng thời tiến tới xây dựng đề án trình UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thiên nhiên thế giới dựa trên 2 tiêu chí:        

- Tiêu chí về giá trị thẩm mỹ: Di sản chứa đựng các hiện tượng tự nhiên siêu đẳng hoặc khu vực có vẻ đẹp tự nhiên độc đáo và tầm quan trọng về thẩm mỹ.

- Tiêu chí về giá trị địa chất - địa mạo: Di sản là ví dụ nổi bật, đại diện cho những giai đoạn lớn trong lịch sử của trái đất, trong đó có lịch sử về sự sống, các quá trình địa chất quan trọng đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo, hoặc các đặc điểm quan trọng về địa chất hoặc địa lý tự nhiên.

Phạm Phương - Thúy Hằng (TTTTDL)