Khai mạc Hội chợ Nông sản và Thủ công mỹ nghệ khu vực phía Bắc
Cập nhật: 09/09/2011
Hội chợ Nông sản và Thủ công mỹ nghệ khu vực phía Bắc năm 2011 đã được khai mạc sáng 9/9/2011 tại Hội chợ Triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 2 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 9-14/9/2011.

Hội chợ được tổ chức nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và du lịch, giúp các doanh nghiệp sản xuất chế biến hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ tiếp cận và khai thác thị trường trong nước và quốc tế.

Hội chợ thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, công ty, hiệp hội, hợp tác xã, làng nghề, nghệ nhân trong cả nước đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông sản và thủ công mỹ nghệ với gần 300 gian hàng. Mỗi gian hàng thủ công mỹ nghệ đều có những sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, làng nghề truyền thống như: chiếu cói Nga Sơn, trống đồng Đông Sơn, gốm Chu Đậu, sừng mỹ nghệ, tranh đá quý, tranh thêu, quà tặng bằng đồng, bút tre nghệ thuật, may tre đan, gốm sứ cao cấp, quạt châm kim làng Vác, các sản phẩm từ lụa, thủ công mỹ nghệ trang trí nội ngoại thất...

Bên cạnh đó, Hội chợ còn tổ chức nhiều hoạt động khác như: Hội thảo đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trình diễn một số nghề tiêu biểu gồm chạm đúc đồng, vàng, bạc; dệt lụa, thổ cẩm; mây tre đan... của các thợ và nghệ nhân nổi tiếng; Giới thiệu mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống và những đóng góp của các ngành nghề trong sự phát triển kinh tế - xã hội; Kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm… tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

Cả nước hiện có khoảng 2.790 làng nghề, trong đó có hơn 2.000 làng nghề truyền thống, các làng nghề này đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Đồng bằng sông Hồng là nơi có mật độ làng nghề lớn nhất cả nước, với hơn 1.000 làng nghề truyền thống, trong đó có các làng nghề nổi tiếng từ lâu đời như: Làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc (Hà Nội), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh)...

Kim ngạch xuất khẩu của các làng nghề không ngừng tăng lên qua các năm, khoảng 750 triệu USD vào năm 2007, gần 1 tỷ USD vào năm 2008, xuất khẩu tại chỗ hàng thủ công truyền thống thông qua việc bán cho khách du lịch đã mang lại nguồn ngoại tệ không nhỏ. Tuy nhiên, trong vài ba năm gần đây, do suy giảm kinh tế toàn cầu đã dẫn đến sự suy giảm kim ngạch xuất khẩu và phát triển của các làng nghề. Vì vậy, Hội chợ lần này là một cơ hội tốt để nông sản và các sản phẩm làng nghề Việt Nam tiếp tục được quảng bá và giới thiệu đến khách hàng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó cần có sự quan tâm, đầu tư thích đáng của nhà nước về cơ chế chính sách, vốn, khoa học công nghệ… để nông sản và các sản phẩm làng nghề Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng bền vững. 

Thế Phi (TTTTDL)