So với nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Cà Mau có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái. Khai thác lợi thế này, hơn 3 năm qua, du lịch Cà Mau được Nhà nước và tư nhân đầu tư kinh phí khoảng 360 tỷ đồng để phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật, nâng cấp hệ thống nhà hàng, khách sạn; cải tiến nâng cao chất lượng du lịch và sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức tuyên truyền nhằm quảng bá về vẻ đẹp thiên nhiên du lịch sinh thái và ý nghĩa, giá trị tinh thần của văn hóa, di tích lịch sử ở vùng đất Cà Mau.
Tỉnh Cà Mau mở các tuyến du lịch : Cà Mau - Khai Long - Đất Mũi; Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc; Cà Mau - Sông Đốc nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước. Từ đầu năm đến nay, các điểm du lịch trong tỉnh Cà Mau đã thu hút được hơn 600.000 lượt khách đến tham quan loại hình du lịch sinh thái, doanh thu gần 150 tỷ đồng. Các điểm du lịch sinh thái được du khách lựa chọn nhiều nhất khi đặt chân đến Cà Mau là: khu du lịch Đất Mũi, khu du lịch Hòn Đá Bạc và một số vườn chim sinh thái rừng đước với hàng trăm ngàn cá thể, có nhiều loài chim trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ. Hầu hết các điểm du lịch sinh thái đều gắn với văn hóa, di tích lịch sử của vùng đất cực Nam của đất nước.
|
Cảnh đẹp Hòn Đá Bạc (xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) |
Mặc dù loại hình du lịch sinh thái ở Cà Mau có sự đầu tư khá mạnh trong vài năm gần đây, nhưng tốc độ và quy mô phát triển vẫn còn chậm so với yêu cầu thực tế. Vì vậy, định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau quan tâm đào tạo nâng cao trình độ năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác du lịch; kêu gọi sự đầu tư khai thác tiềm năng du lịch, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng; chú trọng hoạt động dịch vụ du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn...