Nhân dịp kỷ niệm 593 năm khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 2011) và
578 năm ngày mất của Lê Lợi (1433 – 2011), trong hai ngày 18 và 19/9/2011 (tức
ngày 21 và 22/8 âm lịch), Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh
Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2011 tại Khu
di tích lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân) - quê hương của người
anh hùng Lê Lợi.
|
Khu di tích lịch sử Lam Kinh |
Lễ hội năm nay bao gồm nhiều chương trình nghệ thuật nhằm tái
hiện các nghi thức tế lễ thời Lê như: màn trống hội (biểu diễn đánh trống đồng
và trống da các loại), cờ hội, rước kiệu… và các sự kiện quan trọng trong lịch
sử như: hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Ðông Quan, Vua Lê
Thái Tổ đăng quang, phát huy hào khí Lam Sơn…
Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc
sắc như: hội trại các làng văn hoá; trưng bày các hiện vật, cổ vật thời Lê;
trưng bày, giới thiệu tiềm năng du lịch và sản phẩm ẩm thực của địa phương;
trình diễn các trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh; thi đấu vật, đấu
võ dân tộc; biểu diễn các thể loại dân ca, chèo, tân cổ giao duyên…
|
Du khách về dự Lễ hội Lam Kinh |
Lễ hội Lam Kinh là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thanh
Hóa nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao đánh giặc, giữ nước của người anh hùng dân
tộc Lê Lợi. Năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, đứng lên lãnh đạo cuộc
khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh xâm lược, giành lại độc lập cho dân
tộc. Năm 1428, với tên hiệu là Lê Thái Tổ, ông lên ngôi hoàng đế, sáng lập ra vương
triều Hậu Lê. Ngày 22/8 âm lịch năm 1433, nhà vua băng hà và được an táng tại
vùng núi Lam Sơn (Thanh Hóa), nay là Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Hàng năm, cứ
đến ngày này, nhân dân Thanh Hóa lại long trọng tổ chức lễ hội, thu hút đông
đảo người dân và du khách thập phương về tham dự. Việc tổ chức thành công lễ
hội đã góp phần quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa, mảnh đất và con người xứ
Thanh tới du khách; đồng thời khẳng định Khu di tích lịch sử Lam Kinh nói riêng
và Thanh Hóa nói chung là một trong những điểm đến đặc sắc của du khách khi
muốn tìm về cội nguồn lịch sử dân tộc.
Phạm Phương (TTTTDL)