Khảo sát về kinh doanh khách sạn ở Việt Nam
Cập nhật: 24/08/2007
Cuộc điều tra mới đây do Công ty Kiểm toán và Tài chính Grant Thornton Vietnam thực hiện, trong hai năm hoạt động 2005 - 2006 ở 29 khách sạn, với 3.946 phòng, thuộc địa phận các tỉnh, thành: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu và Đà Lạt.
Lần điều tra thứ ba này nhằm mục đích đưa ra đánh giá tổng quan về ngành khách sạn và tình hình hoạt động của các khách sạn ở Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy có sự tăng trưởng về lượng khách du lịch, công suất phòng, giá phòng và lợi nhuận của các khách sạn lớn ở Việt Nam.
Theo đó, các khách sạn 5 sao ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tăng cả về công suất sử dụng buồng phòng và giá phòng. Các khách sạn ở phía Bắc dẫn dầu với công suất sử dụng buồng phòng lên tới trên 70% trong năm 2006.
Cuộc điều tra chỉ ra hiện trạng tăng giá phòng với mức trung bình là 7,7% (từ 55,78 USD năm 2005 lên 60,06 USD/phòng/đêm năm 2006). Các khách sạn ở phía Bắc mức tăng trung bình là 21,1%; miền Trung là 15,7%; trong khi miền Nam không thay đổi.
Trong năm 2006, ở các khách sạn 5 sao, công suất sử dụng buồng phòng trung bình là 73,1% và mức giá phòng trung bình là 69,06 USD/phòng/đêm. Thu nhập ròng (thu nhập trước khấu hao, lãi và thuế) của các khách sạn 4 sao và 5 sao trong tổng doanh thu lần lượt là 21,1% và 37,9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 0,4% của các khách sạn 3 sao.
Doanh thu từ dịch vụ phòng chiếm hơn 60% tổng doanh thu trong cả năm 2005 và 2006. Dịch vụ đặt phòng qua internet, các đại lý lữ hành và công ty du lịch cũng gia tăng, từ 44,76% trong năm 2005 lên 57,35% trong năm 2006 (tỷ lệ trong doanh thu từ bán phòng), trong khí đó đặt phòng trực tiếp giảm đáng kể từ 41,21% xuống còn 29,80%.
Điểm đến ưa thích
Kết quả điều tra chỉ ra rằng Việt Nam đang trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với du khách Châu Á và Châu Âu.
Thông tin thu được từ cuộc điều tra cho biết tỷ trọng khách lưu trú là người nước ngoài trong 2006 tăng mạnh 6% (từ 77% lên 81,6%). Số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2006 đạt khoảng 3,6 triệu lượt, trong đó 22,7% là doanh nhân và 59,9% là khách du lịch. Đông Á vẫn là thị trường khách lớn nhất đối với ngành du lịch Việt Nam, chiếm khoảng 38%.
Kết quả điều tra cũng phát hiện, trong số 18 triệu lượt khách du lịch nội địa năm 2006, rất nhiều du khách đã lưu trú ở các khách sạn sang trọng. Doanh thu du lịch từ du khách nội địa trong năm 2006 đạt khoảng 2,25 tỷ đô la Mỹ.
Grant Thornton cho rằng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, xu hướng xây dựng các khách sạn mới bị chững lại, điều này dẫn tới tình trạng thiếu phòng trong thời gian cao điểm ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC vào cuối năm 2006 và tình hình này vẫn đang tồn tại.
Báo cáo điều tra cũng cho biết xu hướng các nhà đầu tư khách sạn và các công ty đang quan tâm tới thị trường khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao. Nhóm này bao gồm tập đoàn Kingdom Hotels với khu du lịch The Raffles, tập đoàn 4 Seasons và Movenpick, Banyan Tree, Colony Resorts và Intercontinental.
Với lượng lớn tiền đầu tư tập trung vào lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam, trong 2 năm qua nhiều nhà đầu tư đã rót tiền vào việc chuyển nhượng, mua bán các khách sạn lớn, trong đó có Hilton, Sofitel Metropole và Guoman ở Hà Nội, The Duxton và Omni ở TP Hồ Chí Minh, và Furama ở Đà Nẵng.
Tập đoàn Accor Hotels tiếp tục dẫn đầu trên thị trường với số lượng các khách sạn ở thành phố nhiều nhất và với hệ thống các khu nghỉ dưỡng Six Senses/Evason.
Theo Grant Thornton, VinaLand là nhà đầu tư khách sạn lớn nhất trong khu vực đầu tư nước ngoài.
Vietnam News
|
|
|