Lễ hội phố hoa Hà Nội 2012 với chủ đề “Di sản hoa” dự kiến sẽ
khai mạc vào tối 30/12/2011 và kéo dài đến hết ngày 2/1/2012 nhằm tôn vinh các
di sản thế giới của Việt Nam
đã được UNESCO công nhận, đặc biệt là các di sản tại Hà Nội. Đây là một trong
những sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 với
chủ đề “Du lịch di sản”; đồng thời góp phần đẩy mạnh các hoạt động du lịch, văn
hóa tại Hà Nội.
|
Lễ hội phố hoa Hà Nội năm 2010 |
Lễ hội sẽ bao gồm các hoạt động nổi bật như: tái hiện lễ
rước hoa tre nhằm mô
phỏng một phần lễ hội Gióng ở đền Sóc; thi cắm hoa nghệ thuật; trình diễn nghệ
thuật hoa sen, không gian phố hoa Hà Nội và không gian “Đêm Hồ Gươm huyền ảo”; chương
trình nghệ thuật chào năm mới 2012; trình diễn trang phục áo dài dân tộc; tổ
chức các trò chơi dân gian; triển lãm cây cảnh và sản phẩm làng nghề; hội chợ du
lịch…
Với rất nhiều loài hoa khác nhau, không gian phố hoa Hà Nội
2012 được bố trí nằm trong khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, bao gồm các phố: Đinh
Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Lê Lai, Lê Thạch; các khu vực vườn hoa tượng đài Lý
Thái Tổ, mặt hồ Hoàn Kiếm, đền Trấn Ba, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút,
tháp Hòa Phong. Trong đó, khu vực vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ được bài trí,
sắp đặt bằng hoa sen; đường Đinh Tiên Hoàng mô tả các di sản văn hóa và tư liệu
thế giới của Hà Nội đã được UNESCO công nhận như: Khu di tích Trung tâm Hoàng
thành Thăng Long – Hà Nội, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, bia tiến
sĩ Văn Miếu; đường Lê Thái Tổ mô tả các di
sản thế giới khác của Việt Nam như: vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ
Bàng, khu đền tháp Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An, quần thể di tích cố đô Huế, nhã
nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam, quan họ Bắc Ninh, ca trù, không gian văn hóa
cồng chiêng Tây Nguyên, mộc bản triều Nguyễn. Các di sản vật thể sẽ được mô tả
bằng hoa, trong khi đó, các di sản phi vật thể sẽ được dàn dựng, biểu diễn trên
sân khấu hoa.
Được thành phố Hà Nội tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009, lễ
hội phố hoa Hà Nội là hoạt động văn hóa, du lịch thường niên nhằm quảng bá các loại
hoa, cây cảnh của thành phố và các tỉnh lân cận; đồng thời giới thiệu đến du
khách trong và ngoài nước những tinh hoa văn hóa cũng như giá trị tinh thần quý
báu của người Hà Nội “khéo tay nghề, đất lề kẻ chợ”.
Phạm Phương (TTTTDL)