Trưng bày ấn chương triều Nguyễn tại Hà Nội
Cập nhật: 13/10/2011
Ngày 12/10/2011, tại Hà Nội đã diễn ra triển lãm trưng bày “Ấn chương triều Nguyễn 1802-1945” nhằm giới thiệu khái quát hệ thống ấn dấu sử dụng trong văn bản hành chính từ cấp Trung ương tới địa phương qua các triều đại nhà Nguyễn từ thời Gia Long (1802 - 1819) đến Bảo Đại (1902- 1945).

Từ trái qua phải: Ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo" bằng vàng ròng nặng 8,5kg, ấn ngọc "Đai nam thu thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ"; ấn "Quốc gia tín bảo" đúc bằng vàng, nặng gần 5kg

90 châu bản triều Nguyễn là những bản “công văn” thuộc dạng sớ, tấu, chiếu dụ... được chuyển lên 13 đời vua triều Nguyễn và có bút tích cùng dấu ấn “ngự phê” bằng mực son đỏ của nhà Vua.

Tài liệu được tổ chức trưng bày gồm 3 phần: Kim bảo của Hoàng đế và ấn của Phủ Tôn nhân và Hoàng thân; ấn của các cơ quan Trung ương và quân đội; ấn của các chính quyền địa phương.

Theo ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, việc trưng bày này phần nào cung cấp thông tin cho những nhà nghiên cứu và công chúng về các ấn chương triều Nguyễn.

Nếu dấu ấn của Hoàng đế được ghi các dòng chữ “kinh viện” như: Quốc gia tín bảo, Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành... thì dấu tích ấn của Phủ Tôn nhân (quản lý hoàng tộc) cho thấy thay đổi khá lớn ở thời vua Thiệu Trị, khi chữ “tôn” trong câu “Tôn nhân phủ ấn” bị đổi từ nghĩa “tôn tộc” thành nghĩa “tôn kính” và có thay đổi về kích thước. Hoặc, 76 dấu ấn của các cơ quan Trung ương và quân đội cho thấy từ 6 “Bộ” cơ bản (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công) thời gian đầu, ở giai đoạn cuối của vương triều Nguyễn đã có sự xuất hiện của những “Bộ” mới như Bộ Học (thời Duy Tân), các bộ Tài chính, Kinh tế, Lễ công, Tư pháp (thời Bảo Đại).

Ở phần trưng bày về ấn của các cơ quan địa phương, nếu cuộc cải cách hành chính, chia lại lãnh thổ thành 30 tỉnh của Vua Minh Mạng làm thay đổi dấu ấn cấp phủ, huyện, châu và chức quan tại các tộc người thiểu số thì dấu ấn của Chánh tổng và Lý trưởng trong thời Vua Đồng Khánh lại được đúc cả bằng chữ Quốc ngữ hoặc chữ Pháp bên cạnh phần chữ Hán truyền thống và cho thấy loại hình văn tự giai đoạn này có những chuyển biến sâu sắc về lịch sử, văn hoá và đời sống xã hội...

Dưới triều Nguyễn, nhiều núm và mặt ấn được làm ra nhưng do chiến tranh, thiên tai, hỏa hoạn, các hiện vật đó bị thất lạc, chỉ còn lại châu bản hiện đang được lưu trữ, bảo quản một cách khoa học tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I để tiếp tục nghiên cứu và phát huy giá trị. Dự kiến trong thời gian tới, cơ quan này cũng tổ chức một cuộc trưng bày các châu bản và ấn chương cho thấy sự giao thoa văn hoá Việt - Pháp trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.
VOV