Theo kế
hoạch, Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên – Việt Nam 2011 sẽ diễn ra trong
khoảng thời gian từ ngày 11-15/11/2011 tại Thái Nguyên.
Trong khuôn
khổ liên hoan có nhiều hoạt động như: giới thiệu, quảng bá về tiềm năng sản
xuất chè; các làng nghề chè; hội thảo quốc tế về cây chè và các sản phẩm trà;
triển lãm giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam và Thái Nguyên; thi “Người
đẹp xứ Trà”; lễ hội văn hóa trà và biểu diễn nghệ thuật dân tộc, carnaval
"Trà Thái trong tâm hồn người Việt"...
Cùng với
các doanh nghiệp nước ngoài, 30 doanh nghiệp chè của Hiệp hội chè Việt Nam, 25
doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh chè, 50 làng nghề truyền thống của Thái
Nguyên đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để đem đến liên hoan những sản phẩm chè
độc đáo nhất, trình diễn các phương thức sản xuất chè truyền thống, giới thiệu
tinh hoa văn hóa trà và văn hóa dân tộc truyền thống... Hơn lúc nào hết, Thái
Nguyên đang nỗ lực hết mình để đưa văn hóa trà Việt Nam cũng như hương vị trà Thái
Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Từ lâu,
Thái Nguyên đã được biết đến là quê hương "Đệ nhất danh trà". Chè
(trà) Thái Nguyên có mặt ở mọi miền đất nước với phong vị riêng: hương thơm, vị
đượm, nước xanh... Với tổng diện tích hơn 17.000 ha, sản lượng trung bình trên
120.000 tấn búp tươi/năm, hiện Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ hai (sau Lâm Đồng)
của cả nước về diện tích canh tác chè. Từ nghề sản xuất, chế biến chè, ở Thái
Nguyên đã có hơn 66.000 hộ dân chuyên làm chè, trên 30 doanh nghiệp sản xuất,
chế biến, xuất khẩu chè. Cây chè đã trở thành cây kinh tế chủ lực, cây xóa đói
giảm nghèo, cây làm giàu của người dân Thái Nguyên. Tại các vùng chè đặc sản
nổi tiếng như: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên), Tức
Tranh, Vô Tranh (Phú Lương), La Bằng (Đại Từ), Minh Lập, Sông Cầu (Đồng Hỷ),
Phúc Thuận (Phổ Yên)... thu nhập từ cây chè đều đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm,
thậm chí có nơi còn lên đến 300 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm chè Thái Nguyên
không chỉ được biết đến ở thị trường trong nước, mà đã vươn tới những thị
trường lớn trên thế giới như: Nga, Trung Đông, EU...
Những ngày
này, đến Thái Nguyên, bất kể nơi đâu cũng thấy dấu ấn của chè. Các quán trà đặc
sản được dựng lên dọc con đường dẫn vào vùng chè đặc sản Tân Cương đã mở cửa
phục vụ du khách, các biển hiệu chỉ dẫn, mời gọi du khách thưởng trà được đặt
khắp các giao lộ, nút giao thông trọng điểm, băng rôn, đèn trang trí sáng bừng
đường phố, điểm vui chơi công cộng... Tất cả đang tất bật chuẩn bị cho Liên
hoan Trà quốc tế lần thứ nhất Thái Nguyên - Việt Nam 2011 được tổ chức ngay
trên mảnh đất chè Thái. Đây là lần đầu tiên, người làm chè Thái Nguyên và những
vùng chè khác trong cả nước được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về
trồng, chế biến chè với các thành viên của Hiệp hội Chè thế giới thuộc 10 quốc
gia và vùng lãnh thổ có sử dụng và nhập khẩu các sản phẩm chè Việt Nam như: Ấn
Độ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản... Liên hoan là cơ hội "vàng" để quảng
bá, giới thiệu chè Việt Nam,
văn hóa trà Việt, danh trà Thái Nguyên tới du khách trong và ngoài nước. Chính
vì vậy, ngay từ khi được Chính phủ cho phép (năm 2010), tỉnh Thái Nguyên đã tập
trung mọi nguồn lực, chuẩn bị mọi điều kiện để có thể tổ chức liên hoan thành
công.
Bà Ma Thị
Nguyệt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tỉnh Thái Nguyên và các
doanh nghiệp trên địa bàn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉnh trang đô thị, xây
dựng tuyến đường du lịch từ trung tâm thành phố Thái Nguyên đi vùng chè Tân
Cương, trung tâm tổ chức sự kiện phục vụ Liên hoan tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc,
không gian và bảo tàng văn hóa trà ở vùng chè Tân Cương... Trong thời gian diễn
ra liên hoan, Ban Tổ chức còn huy động gần 1000 tình nguyện viên là sinh viên
các trường đại học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đón tiếp, hướng dẫn du
khách tham gia các hoạt động trong liên hoan, pha trà mời khách. Trên 90 cơ sở
lưu trú gồm các khách sạn, nhà nghỉ chủ yếu trên địa bàn thành phố Thái Nguyên
và khu du lịch Hồ Núi Cốc đã được nâng cấp, cải tạo, chuẩn bị các điều kiện cần
thiết để có thể phục vụ trên 3.000 lượt người trong cùng một thời điểm... Đến
thời điểm này, một số công trình quan trọng đã hoàn tất và sẵn sàng phục vụ cho
liên hoan.
Tại các
vùng chè đặc sản Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc... chính quyền địa phương cùng các
hộ làm chè tiêu biểu từ nhiều tháng nay đã tập trung chăm sóc, vệ sinh vườn
chè, sẵn sàng hòa mình vào liên hoan bằng chính công việc thường nhật của mình.
Anh Trần Văn Thắng - hộ làm chè tiêu biểu ở xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương cho
biết thêm: từ trước khi diễn ra liên hoan, gia đình anh và các hộ làm chè khác
trong xóm đã tự vận động nhau chỉ sản xuất chè sạch, chè an toàn để bảo vệ và
phát triển thương hiệu chè Tân Cương. Chính vì vậy, ngay trong thời điểm chính
vụ, chè xanh sao suốt của bà con cũng được giá hơn 150.000 đồng/kg. Trong quá
trình chuẩn bị cho Liên hoan Trà quốc tế lần này, ngoài việc chuẩn bị nương chè
tốt nhất để du khách có thể tham quan, tự hái chè, sao chè... gia đình anh còn
dành một số loại chè đặc sản, chế biến rất cầu kỳ, trị giá hàng triệu đồng/kg
như: chè đinh, chè nõn... để phục vụ du khách với hy vọng đưa hương vị chè Tân
Cương ngày càng vươn xa trên thị trường quốc tế.