Tối 12/11, tại khu sân khấu Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên, Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất – Thái Nguyên, Việt Nam 2011 đã chính thức khai mạc. Đây là sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên.
Dự lễ khai mạc có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương: Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Kiểm sát tối cao, Bộ Ngoại giao, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hiệp hội Chè Việt Nam; đại biểu các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo 49 tỉnh, thành phố trong cả nước; 28 đoàn đại diện các Đại sứ quán ngoại giao, tổ chức quốc tế; 30 tổ chức Phi chính phủ nước ngoài; đại diện các đoàn nghệ thuật của Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan.
Việt Nam là một trong những chiếc nôi của cây chè. Hiện nay, cả nước có khoảng 130 nghìn hécta chè các loại, năng suất bình quân đạt hơn 77tạ/ha, sản lượng chè cả nước đạt gần 824 nghìn tấn búp tươi. Trà Việt Nam được xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu đạt gần 200 triệu USD. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng và xuất khẩu trà.
Đặc biệt, với diện tích khoảng 19.000ha, Thái Nguyên đứng thứ 2 cả nước. Phát triển cây chè đã trở thành một trong những trọng tâm của Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 50% diện tích chè giống mới; có nhiều làng nghề và doanh nghiệp sản xuất chè có thương hiệu mạnh trên thị trường, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn ViệtGap với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế.
Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất, Thái Nguyên – Việt Nam 2011 chính là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà sản xuất, nhà chế biến, xuất nhập khẩu chè cùng người tiêu dùng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về tiềm năng, thế mạnh và phương hướng phát triển cây chè và sản phẩm trà Việt Nam; đồng thời tìm kiếm những cơ hội hợp tác kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu trà Việt Nam.
Phát biểu tại lễ Khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Tiềm năng và lợi thế phát triển sản xuất kinh doanh chè của Việt Nam còn rất rộng lớn. Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành chè Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cùng với những hạn chế yếu kém cần quan tâm khắc phục. Trong đó, nổi lên là việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và chế biến chè còn chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, chưa có nhiều thương hiệu trà nổi tiếng; đời sống của nhiều người trồng chè còn khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Thái Nguyên là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, một vùng chè nổi tiếng trong cả nước. Qua quá trình phát triển, sản phẩm trà của Thái Nguyên được nâng lên về chất lượng, tạo việc làm thu nhập cho hàng chục vạn gia đình nông dân, trở thành cây xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho nhân dân.
Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các địa phương trồng chè, tinh thần vượt khó của hàng chục nghìn người dân và các doanh nghiệp chế biến chè trong cả nước; biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để tổ chức liên hoan trà lần này, qua đó tôn vinh người trồng, chế biến chè, tạo điều kiện cho người trồng chè, nhà sản xuất, chế biến, nhà khoa học, người tiêu dùng có cơ hội giao lưu tìm kiếm cơ hội phát triển cây chè và sản phẩm Trà Việt Nam, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh nhằm nâng cao thương hiệu chè Việt Nam.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ngành chè tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, khắc phục những tồn tại yếu kém đưa ngành chè Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phát huy thành tựu vượt qua thách thức nâng cao năng suất, sản lượng đạt 1 triệu tấn chè búp tươi/ năm, đóng góp thiết thực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các địa bàn Trung du miền núi và sự phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, bộ, ngành Trung ương tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất, đưa giống chè phù hợp vào trồng, cơ cấu lại và đa dạng hóa sản phẩm Trà; nâng cấp các nhà máy chế biến chè theo hướng hiện đại đồng thời phát triển sản phẩm chè truyền thống, tôn vinh nghệ nhân trong nghề sản xuất, chế biến chè. Các địa phương tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa người trồng chè với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định; tăng thu nhập cho người làm chè; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với ngành chè, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu chè Việt; phấn đấu trong vòng 5 năm tới, giá chè xuất khẩu của Việt Nam ngang bằng giá bình quân thế giới, nâng kim ngạch xuất khẩu gấp 2-3 lần so với hiện nay.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng mong muốn tỉnh phát huy truyền thống, vượt mọi khó khăn thách thức thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, xây dựng Thái Nguyên thành tỉnh công nghiệp hiện đại trước năm 2020, xứng đáng là một trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của vùng trung du miền núi Bắc Bộ, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Tại lễ khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên - Phạm Xuân Đương đã phát biểu cảm ơn những tình cảm, sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương dành cho Thái Nguyên, cho những người trồng, chế biến, kinh doanh chè của Thái Nguyên và hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương; khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển ngành chè, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội để Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Tại lễ khai mạc Liên hoan, đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hương sắc Trà Việt” với sự tham gia của hơn 800 diễn viên đến từ Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam; các đoàn nghệ thuật; trường nghệ thuật tại Thái Nguyên và với sự góp mặt của các ca sỹ nổi tiếng như: Thanh Lam, Trọng Tấn, Anh Thơ… đã giúp người xem cảm nhận được những nét tinh túy làm nên giá trị của mảnh đất được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”.
Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011 diễn ra với gần 20 sự kiện, hoạt động với sự tham gia của 30 doanh nghiệp chè của Hiệp hội chè Việt Nam; 25 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh chè, 50 làng nghề truyền thống của Thái Nguyên và một số doanh nghiệp nước ngoài, sẽ kết thúc vào ngày 15/11/2011.