Quảng Ninh đổi mới tư duy về cách làm du lịch
Cập nhật: 13/12/2011
"Đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch" - Đó là tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính trong cuộc hội nghị mới đây của ngành du lịch Quảng Ninh...

Có thể nói, khó có nơi đâu trên đất nước Việt Nam lại được thiên nhiên ưu đãi một nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng như ở Quảng Ninh, với nhiều di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, bãi biển đẹp nổi tiếng; đặc biệt là danh thắng vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và gần đây nhất vịnh Hạ Long lại một lần nữa khẳng định được giá trị của mình khi lọt vào danh sách sơ bộ 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do tổ chức NewOpenWorld khởi xướng bầu chọn qua mạng Internet. Đây chính là cơ hội để du lịch Quảng Ninh bứt phá trong những năm tiếp theo.

Nhìn lại chặng đường phát triển của du lịch Quảng Ninh, giai đoạn từ năm 2001-2010, du lịch Quảng Ninh đã có sự phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, bước đầu đã tạo ra môi trường có tính cạnh tranh cao và là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 1 năm, trung bình một người dân Quảng Ninh đã đón gần 5 khách du lịch. Đây là một chỉ tiêu khá cao so với các địa phương khác trong nước. Điều đáng ghi nhận, hoạt động đầu tư du lịch ở Quảng Ninh đã thu hút được nhiều nguồn lực trong xã hội. Ngành du lịch đã thu hút được khoảng 23 nghìn lao động trực tiếp và hơn 35 nghìn lao động gián tiếp. Bước đầu đã tạo ra một hệ thống doanh nghiệp làm du lịch chuyên nghiệp. Kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch đã không ngừng được đầu tư, phát triển với trên 850 cơ sở lưu trú, từ nhà nghỉ đến khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao; đội tàu du lịch có 500 chiếc kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên vịnh. Không gian du lịch trên địa bàn tỉnh được mở rộng, Quảng Ninh đã hình thành rõ nét 4 trung tâm du lịch gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như: Du lịch không gian di sản vịnh Hạ Long (TP. Hạ Long); khu du lịch Đông Bắc với thế mạnh là du lịch thương mại và du lịch biên giới; khu du lịch phía đông (Vân Đồn) với thế mạnh nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh; khu du lịch phía tây (Uông Bí, Đông Triều, Yên Hưng) gắn với du lịch tâm linh, sinh thái và làng nghề. Các khu du lịch này hàng năm thu hút một lượng khách khá lớn đến tham quan. Ước tính đến hết năm 2011, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 6,2 triệu lượt, trong đó có 2,3 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu toàn ngành đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng khách của du lịch Quảng Ninh, có thể nhận thấy rằng, đây là một con số khá cao. Tuy nhiên, lượng khách du lịch tăng nhanh nhưng doanh thu từ du lịch của Quảng Ninh chưa cao. Tỷ trọng khách sử dụng các dịch vụ cao cấp còn hạn chế, thời gian lưu trú, mức chi tiêu của khách còn thấp. Điều này dẫn đến doanh thu từ ngành du lịch không cao, chưa xứng với tiềm năng du lịch của Quảng Ninh. Để du lịch Quảng Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực quan trọng đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng tầm du lịch Quảng Ninh, đặc biệt là trung tâm du lịch Hạ Long trở thành một thương hiệu du lịch mang đẳng cấp quốc tế, đảm bảo các yêu cầu phát triển bền vững, thì ngay từ bây giờ, ngành du lịch tỉnh phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch phục vụ khách. Chất lượng sản phẩm du lịch có được cải thiện, môi trường du lịch thân thiện và an toàn mới thu hút được lượng khách du lịch có chi tiêu cao đến với Quảng Ninh. Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước hết, việc quy hoạch phát triển du lịch Quảnh Ninh phải phù hợp với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các cơ chế và chính sách đầu tư cho du lịch phải đảm bảo phát triển đồng bộ, bền vững, ưu tiên các nhà đầu tư lớn, đầu tư riêng biệt các khu du lịch cao cấp, xây dựng các sản phẩm du lịch, lưu niệm đặc trưng...

Cũng theo ông Phạm Minh Chính, để du lịch Quảng Ninh thực sự phát triển bền vững thì vấn đề quan trọng là người dân Quảng Ninh cần nêu cao tinh thần quyết tâm đổi mới, bắt đầu từ nếp nghĩ đến cách thức hành động. Theo đó, những người làm công tác du lịch cần nhìn nhận đúng đắn thực trạng, tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh, đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược phát triển phù hợp, dựa trên quan điểm lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn cho sự phát triển chung của tỉnh. Ngành du lịch cần phát huy những tiềm năng, thế mạnh nguồn tài nguyên sẵn có, đầu tư chiều sâu, đổi mới cách thức kinh doanh, chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu riêng, đưa du lịch Quảng Ninh phát triển xứng tầm, ngày càng khẳng định đẳng cấp.
Báo Quảng Ninh