Sôi động lễ hội Đâm trâu của người M’Nông, Đắk Nông
Cập nhật: 19/12/2011
Hàng năm, khi người dân Tây Nguyên kết thúc vụ thu hoạch, cũng là lúc diễn ra lễ hội Đâm trâu- một nét văn hóa của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên thể hiện rõ nét tinh thần dân tộc và đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng. Năm nay, tại buôn Điêng Đu, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông lễ hội đã diễn ra trong sự xum họp cộng đồng của người M’Nông.

Lễ hội Đâm trâu được tổ chức nhằm tạ ơn và cầu trời đất ban cho người dân mùa màng tươi tốt bội thu, đồng thời gắn kết các cộng đồng dân tộc trên địa bàn lại với nhau.  

Lễ hội bao giờ cũng có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Trong đó, Đâm trâu là phần nghi lễ hiến thần quan trọng và là linh hồn của phần lễ. Dũng sĩ đâm trâu được người dân tín nhiệm cử ra phải là người có sức khỏe và uy tín trong bon.    

Ngày đầu tiên của lễ hội, tiếng cồng chiêng nổi lên để mời gọi và đón tiếp thần linh cũng như những người tham dự, cổ vũ để mọi người hoàn thành các bước chuẩn bị cho lễ hội. Trong suốt thời gian này, cồng chiêng liên tục nổi lên để khuấy động không khí.    

Các môn thi thể thao thể hiện sức mạnh, đòi hỏi sự khéo léo bền bỉ của phần hội khiến không khí trở nên tưng bừng, náo nhiệt hơn. Người dân đổ dồn sự tập trung, cổ vũ cho các môn thi như: đẩy gậy, ba bố, kéo co, chạy ngậm nước đổ đầy chai…  

Sau lễ hội đâm trâu mọi nỗi buồn, hiềm khích, đố kỵ trong dân làng được thần linh mang đi, niềm vui và hạnh phúc được nâng lên gấp bội; ai nấy hăng hái trở lại chuỗi ngày lên nương xuống rẫy dưới mưa dầm nắng gắt, biến những sỏi đá đã khô cằn thành màu mỡ. Nuôi trong họ những hi vọng tết mùa sau với nhiều lễ cúng, nhiều tiếng hát, nhiều tiếng cồng chiêng, đưa con người vào cuộc vui mùa màng bội thu.

QĐND