Visa công bố kết quả khảo sát về khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Cập nhật: 16/01/2012
Kết quả khảo sát đã được Visa công bố tại buổi toạ đàm về nhu cầu và xu hướng phát triển của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam diễn ra sáng ngày 12/01/2012. Sự kiện được tổ chức tại Hà Nội dưới sự bảo trợ của Tổng cục Du lịch.

     Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp phát biểu tại buổi tọa đàm


Cuộc khảo sát của Visa được tiến hành đối với 11.620 khách du lịch quốc tế tại 23 quốc gia ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, CEMEA/Châu Âu và Châu Mỹ. Đây là những công dân từ 18 tuổi trở lên đã đi du lịch ở nước ngoài trong vòng 2 năm trở lại, có ý định đi du lịch ở nước ngoài trong 2 năm sắp tới, trong đó có thị trường Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát, đối với những du khách đã đến Việt Nam, những yếu tố hấp dẫn nhất đối với họ là được trải nghiệm các nền văn hóa độc đáo, thưởng thức ẩm thực đa dạng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và tham gia các hoạt động ngoài trời, cuộc sống về đêm.

Báo cáo cho biết trong khi xu hướng trên toàn cầu, thông tin truyền miệng là một nguồn thông tin chủ đạo cho du khách khi lập kế hoạch cho chuyến đi, thì đối với những du khách đã và có dự định đến Việt Nam việc tìm kiếm thông tin qua các công cụ hướng dẫn du lịch trực tuyến lại là lựa chọn hàng đầu.

Bà Lorijon T.Bacchi, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào, trình bày báo cáo điều tra khảo sát


Visa cũng lưu ý là mặc dù trải nghiệm văn hóa và ẩm thực đa dạng là những yếu tố chủ yếu thu hút khách du lịch nước ngoài nhưng khách du lịch trong tương lai sẽ tìm đến những nơi có chi phí du lịch thấp. Đây có thể được xem là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian qua cũng đã khiến du khách thận trọng hơn trong việc lựa chọn phương án du lịch. Bên cạnh đó, cảnh quan thiên nhiên đẹp cũng là một yếu tố thu hút cả du khách đã đến cũng như du khách sắp đến.

Về lựa chọn cơ sở lưu trú, báo cáo chỉ ra rằng xu hướng chung là lựa chọn các khách sạn từ 3-4 sao nhưng các du khách trong tương lai muốn tìm kiếm những dịch vụ lưu trú giá rẻ và miễn phí.

Một điều thú vị là 69% du khách đã đến Việt Nam cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền để được thưởng thức ẩm thực đa dạng của Việt Nam; đứng thứ hai là các điểm đến độc đáo với 65% du khách sẵn sàng trả thêm tiền để được tham quan thưởng ngoạn; các dịch vụ nghỉ dưỡng và trải nghiệm các nền văn hóa cũng thu hút 62% số du khách sẵn sàng trả thêm chi phí.

                                        Toàn cảnh buổi tọa đàm


Về xu hướng chi tiêu, khách quốc tế đến Việt Nam cả trong quá khứ và dự định trong tương lai đều bỏ ra chi phí ở mức tương đương với du khách trên thế giới nói chung trong các chuyến đi thực tế, và tiền mặt là cách thức chi trả phổ biến nhất. Trong đó, thực phẩm và đồ uống là chi phí tiêu tốn nhất trong suốt chuyến đi.

Nhìn chung, qua báo cáo có thể thấy xu hướng chính là các du khách trong tương lai sẽ hy vọng được giảm nhiều chi phí cho các chuyến du lịch của mình và họ cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho chuyến đi. Do vậy, báo cáo nhấn mạnh đây là cơ hội để ngành Du lịch Việt Nam có thể nghiên cứu đưa ra các chương trình giảm giá và ưu đãi để thu hút khách đến Việt Nam. Trong bối cảnh chính trị quốc tế có nhiều bất ổn thì sự ổn định về chính trị của Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp đánh giá cao tinh thần xây dựng và cởi mở của Visa muốn chia sẻ kết quả điều tra cho các nhà lập kế hoạch, nhà quản lý và những người hoạt động trong ngành du lịch Việt Nam. Đây là cơ hội để các bên tham dự tọa đàm chia sẻ thông tin, những sáng kiến nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn nhu cầu của du khách quốc tế đến Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng cho biết, trong thời gian tới Tổng cục Du lịch và Visa dự kiến sẽ đẩy mạnh khả năng hợp tác, trao đổi thông tin định kỳ, từ đó phối hợp triển khai các chương trình thu hút thêm nhiều khách du lịch đến Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của khu vực.



                                                                                   Bài, ảnh: Truyền Phương (TTTTDL)