Ngày 1/1/2007, Đoàn múa rối nước Sông Ngọc do nghệ nhân Phan Văn Ngải (làng rối nước truyền thống Nam Chấn, Nam Định) thành lập có buổi ra mắt chính thức cơ sở II tại TP.HCM.
Đoàn sẽ kết hợp với công viên Suối Tiên để xây dựng một sân khấu biểu diễn múa rối nước chuyên nghiệp. Nhân dịp này, nghệ nhân Phan Văn Ngải đã dành cho PV Thanh Niên cuộc trao đổi.
* Thưa ông, nguyên nhân nào khiến Đoàn múa rối nước Sông Ngọc mở thêm cơ sở II tại TP.HCM?
- Nhà chúng tôi có bảy đời gắn bó với nghệ thuật múa rối nước. Năm 1989, tôi thành lập đoàn múa rối nước Sông Ngọc, đoàn múa rối nước xã hội hóa đầu tiên, hoạt động thường xuyên đến nay. Chúng tôi đã từng đi biểu diễn rất nhiều nước: Pháp, Ý, Úc... và được khán giả nước ngoài đón nhận nồng nhiệt. Nhưng trong khi múa rối nước được mời biểu diễn thường niên ở xứ người thì chỉ có một số ít người Việt Nam biết đến loại hình nghệ thuật dân gian này. Múa rối nước hãy còn quá xa lạ với nhiều người, vì vậy tôi muốn giới thiệu nghệ thuật truyền thống đặc sắc của đồng bằng Bắc Bộ với công chúng phía Nam. Hơn nữa, thành lập Sông Ngọc II, tôi muốn truyền nghề truyền thống lại cho cậu con trai của tôi đang sinh sống tại TP.HCM.
* Một sân khấu biểu diễn múa rối nước chuyên nghiệp cần được đầu tư với mức chi phí như thế nào?
- Tôi đầu tư vào đoàn Sông Ngọc II hơn 200 triệu đồng. Nhân sự hiện nay của đoàn chưa đến chục người. Ngoài sân khấu cố định tại công viên Suối Tiên, đoàn Sông Ngọc II còn có sân khấu thủy đình lưu động để phục vụ khán giả tận nơi, mà đối tượng chính là học sinh, đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo, cấp 1. Mỗi suất diễn, sân khấu thủy đình lưu động có khả năng phục vụ từ 300 - 400 em.
* Văn hóa hai miền Nam - Bắc có một số điểm không tương đồng, đặc biệt là về ngôn ngữ. Ông có thay đổi gì các trò trong múa rối nước để gần gũi với công chúng phía Nam, như lời thoại hay vận dụng một số điệu hò, dân ca Nam Bộ, hay vẫn giữ nguyên bản, thưa ông?
- Ban đầu, tôi vẫn giữ nguyên các trò đã từng biểu diễn ở phía Bắc như: Đám cưới chuột, Tễu giáo đầu, rồng phun nước, đi cày đi cấy, đánh cá, múa sư tử, múa lân, đua thuyền... Sau đó, tôi sẽ có những cải tiến dần cho phong phú và phù hợp với công chúng phía Nam. Sự cải tiến không phải là dễ, vì các trò múa rối nước đều dựa trên các truyện xưa tích cũ. Sự cải tiến chỉ ở một phần nào đó thôi.