Từ đầu năm
Nhâm Thìn, Sở VHTTDL Nghệ An đã có công văn thông báo kế hoạch tổ chức lễ hội
gửi đến tất cả các cấp liên quan nhằm chuẩn bị chu đáo cho 25 lễ hội sẽ diễn ra
ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, tập trung nhiều nhất từ tháng Giêng đến
tháng Ba âm lịch.
Mở đầu là
lễ hội văn hóa truyền thống Mường Ham tại huyện Quỳ Hợp, được tổ chức trong
những ngày đầu năm mới tại hang Pẩn Pang - Nang Ny.
Tiếp đến là lễ hội đền Cờn - một ngôi đền thiêng bậc nhất xứ Nghệ nằm ở huyện
Quỳnh Lưu, thu hút hàng vạn du khách mỗi năm. Lễ hội được cử hành với nhiều
nghi lễ đặc sắc: phần lễ với màn dâng hương, tế lễ nghiêm trang, tái hiện cảnh
vua Trần Anh Tông dâng hương tại chính điện; phần hội gồm các trò chơi dân gian
như: cờ người, kéo co, đẩy gậy, đua thuyền, bóng chuyền…
Lễ hội đền
Quả Sơn là dịp để nhân dân tưởng nhớ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ
8 của vua Lý Công Uẩn. Trong suốt 19 năm làm tri châu, ông là người có công lớn
trong việc giữ vững bờ cõi, phát triển sản xuất, biến vùng biên ải Hoan Châu
thành căn cứ địa vững chắc, phồn vinh, tạo hậu thuẫn tin cậy cho nhiều triều
đại về sau. Sau khi ông mất, mộ của ông được an táng tại chân núi Quả, làng
Bạch Ngọc, nay là xã Bồi Sơn (huyện Đô Lương). Nét đặc sắc nhất của lễ hội đền
Quả Sơn là lễ rước Ngài lên tạ ơn Bà Bụt ở chùa Bà Bụt (Tiên tích tự). Tương
truyền, Bà Bụt là người luôn phù giúp Lý Nhật Quang trong việc phát triển quân
sự, kinh tế.
Tham gia lễ
hội Quả Sơn, du khách được hòa mình vào không gian linh thiêng với lễ xuất
thần, lễ rước bằng đường thủy, đường bộ và nhiều trò chơi dân gian vui nhộn:
chọi gà, đu tiên, cờ thẻ, cờ người, đấu vật… Đặc biệt thu hút du khách là hội
đua thuyền bơi chải ngược sông Lam.
Lễ hội Hang
Bua được tổ chức tại danh thắng quốc gia Thẳm Bua, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.
Đây là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc
miền núi cao Tây Bắc Nghệ An. Lễ hội diễn ra với các nghi lễ tâm linh và hoạt
động văn hóa, thể thao như: hội chơi hang, giao lưu văn nghệ, thi bắn nỏ, ném
còn, đẩy gậy, các môn thể thao hiện đại, thi văn hóa ẩm thực, thi viết chữ Thái
Lai Pao, thi kéo sợi, quấn hương... Đặc biệt, trong lễ hội Thẳm Bua 2012 còn có
nhiều gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào
dân tộc Thái, hội thi văn hóa rượu Cần, thi nét đẹp trang phục các dân tộc, thi
người đẹp Thẳm Bua...
Để lễ hội
Nghệ An thực sự phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, Sở VHTTDL Nghệ An
đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra; phân công các
ngành liên quan cùng vào cuộc triển khai và có kịch bản phù hợp gắn với chủ đề
riêng của từng lễ hội; đồng thời, có cơ chế quản lý tổ chức phù hợp với quy mô,
tính chất, đặc điểm của lễ hội từng địa phương nhằm đưa hoạt động lễ hội vào nề
nếp, giữ gìn được bản sắc văn hóa vùng miền.