Trong những năm gần đây, Nhật Bản luôn là một thị trường khách quan trọng của ngành du lịch Việt Nam. Năm 2011, du khách Nhật Bản tới Việt Nam đạt 481.519 lượt, đứng thứ 3 trong số các thị trường gửi khách hàng đầu, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Để thu hút nhiều hơn đối tượng khách này, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xây dựng Đề án “Đẩy mạnh thu hút khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam từ nay đến năm 2015”, trong đó đặt ra mục tiêu đón 1 triệu lượt khách Nhật Bản vào năm 2015.
|
Các đại biểu dự buổi tọa đàm về đẩy mạnh thu hút du khách Nhật tới Việt Nam |
Nhật Bản: Du khách outbound nhiều hơn inbound
Tại buổi tọa đàm về đẩy mạnh thu hút khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam do Tổng cục Du lịch tổ chức vào ngày 02/3/2012 với sự có mặt của nhiều chuyên gia đến từ đất nước mặt trời mọc cùng một số doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam đang đón du khách Nhật Bản, nhiều thông tin lý thú về thị trường du lịch Nhật Bản đã được chia sẻ.
Theo ông Vũ Nam – Trưởng phòng Tổng hợp – Thi đua (TCDL), Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia khuyến khích công dân đi du lịch nước ngoài. Lượng khách Nhật đi du lịch outbound có thời điểm lớn gấp đôi, gấp ba lần khách inbound.
Từ năm 2008, chính phủ Nhật Bản đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh lượng khách đi du lịch outbound lên con số 20 triệu lượt và đón 10 triệu lượt khách inbound vào năm 2010. Tháng 11/2008, Hiệp hội các hãng lữ hành Nhật Bản (Japan Association of Travel Agents-JATA) đã phát động chiến dịch Visit World Campaign (VWC) nhằm khuyến khích công dân Nhật đi du lịch nước ngoài, trong đó Việt Nam được coi là một trong những thị trường trọng điểm. Tuy vậy, suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra sau đó đã gây ra những tác động tiêu cực tới ngành du lịch thế giới, trong đó có Nhật Bản. Lượng khách Nhật đi du lịch outbound chỉ đạt 15,9 triệu lượt vào năm 2008 và 15,4 triệu lượt vào năm 2009. Mục tiêu 20 triệu khách outbound chưa thực hiện được nhưng những tín hiệu tích cực đã xuất hiện từ năm 2010 với với việc lượng khách outbound đã tăng lên đạt 16,6 triệu lượt và năm 2011 là 16,9 triệu lượt. Hiện nay Nhật Bản vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện chiến dịch này.
Theo số liệu năm 2010, tốp 10 điểm đến đón khách du lịch Nhật Bản là Trung Quốc (3,7 triệu lượt), Mỹ (3,3 triệu), Hàn Quốc (3,0 triệu), Hồng Kông (1,3 triệu), Đài Loan (1,0 triệu), Thái Lan (0,99 triệu), Guam (0,89 triệu), Pháp (0,69 triệu), Đức (0,6 triệu) và Singapore (0,52 triệu). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là điểm đến đứng thứ 3 của du khách Nhật với 442 nghìn lượt, sau Thái Lan và Singapore.
Những du khách thân thiện, có trách nhiệm và kỹ tính
Trong những năm qua, hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản đã và đang được duy trì và mở rộng. Một trong những yếu tố thu hút du khách Nhật Bản đến Việt Nam là hai nền văn hóa có nhiều nét tương đồng, quan hệ ngoại giao tốt đẹp và người dân hai nước có ấn tượng tốt về nhau. Du khách Nhật Bản rất có thiện cảm với đất nước, con người Việt Nam và khi đến Việt Nam họ cũng đã tạo được hình ảnh tốt đẹp với người Việt Nam: là những du khách thân thiện và có trách nhiệm. Bên cạnh đó, để thu hút hiệu quả dòng khách này, không thể không chú ý tới những đặc điểm trong thói quen, tính cách của người Nhật.
Ông Nam cho biết, du khách Nhật là những người ưa thích những điểm đến có phong cảnh đẹp, những điểm di sản, ẩm thực độc đáo, những điểm có cơ hội mua sắm, hàng thủ công mỹ nghệ và đặc biệt là sự thân thiện của người dân bản địa. Khi ra quyết định lựa chọn điểm đến, du khách Nhật cũng rất cân nhắc đến những yếu tố như: an toàn an ninh, vệ sinh, cơ sở lưu trú tiện nghi và dịch vụ chu đáo, hệ thống giao thông thuận tiện, chất lượng hướng dẫn viên, thông tin…
Theo ông Nguyễn Minh Hải – Giám đốc Văn phòng đại diện Vietnam Airlines tại Nhật Bản, du khách Nhật không thích mặc cả trong mua bán. Điều này đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam cần chú ý khi hình thành các điểm mua sắm phục vụ du khách. Đồng thời du khách Nhật cũng đề cao sự thân thiện trong giao tiếp – một yếu tố có ý nghĩa quyết định tới lựa chọn du lịch của người Nhật. Ông Hải cũng lưu ý, du khách Nhật tìm hiểu thông tin rất kỹ về điểm đến trước khi đi du lịch, phương tiện tìm kiếm phổ biến là Internet. Bên cạnh đó, một điều quan trọng là khi có sự cố phát sinh, người Nhật đánh giá cao việc xử lý kịp thời và thỏa đáng.
Ông Hải cũng nhấn mạnh, du khách Nhật rất coi trọng uy tín và danh dự, do vậy những sản phẩm, dịch vụ chào bán cần được kiểm định và bảo đảm chất lượng tốt. Đồng thời, sự quan tâm, chu đáo của doanh nghiệp đối với khách hàng không chỉ từ khi bắt đầu bán hàng mà cả sau khi bán là một yếu tố then chốt để du khách Nhật đánh giá về chất lượng phục vụ.
Điểm đến Việt Nam và một số giải pháp thu hút khách Nhật
Đối với du khách Nhật, Việt Nam là một điểm đến khá lý tưởng do có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, phù hợp với thị hiếu. Theo bà Saori Kozumi (công ty du lịch APEX), phụ nữ là người có ảnh hưởng lớn đến quyết định lựa chọn du lịch và Việt Nam có tiềm năng rất lớn để thu hút đối tượng khách này với các sản phẩm như áo dài, đồ gốm, hàng tạp hóa, ẩm thực, spa… Bà Saori Kozumi cho rằng, khách đến lần thứ nhất là do tò mò và khách quay lại lần thứ hai là do sự thoải mái. Do vậy, thái độ thân thiện, chu đáo của những người tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, trong đó có hướng dẫn viên là rất quan trọng. Bà cũng đưa ra một số gợi ý nhằm thu hút khách Nhật Bản như thành lập các công viên chủ đề, tổ chức các festival nhạc rock, tổ chức tour tham quan trường quay các bộ phim nổi tiếng…
Đáng chú ý, ông Ando Katsuhiro, chuyên gia du lịch của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đã đề xuất thành lập Nhóm công tác Phát triển du lịch Việt Nam – Nhật Bản, với thành viên của nhóm công tác là những chuyên gia của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tổ chức JICA, các công ty lữ hành, khách sạn, hãng hàng không, tổ chức du lịch hai nước... Mục tiêu của nhóm là nhằm tăng cường mạng lưới liên kết giữa Tổng cục Du lịch và các công ty lữ hành, du lịch; nắm bắt nhu cầu thị trường khách du lịch Nhật Bản; tạo diễn đàn chia sẻ bí quyết thu hút khách Nhật, thúc đẩy chi tiêu của khách…
Ông Shighemastsu Akifumi đến từ công ty du lịch H.I.S Sông Hàn chia sẻ, hiện nay công ty đón khoảng 1.000 khách Nhật/tháng nhưng tỷ lệ khách quay trở lại rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu do thái độ không đúng mực của một số nhân viên thậm chí cả cấp quản lý của cơ sở lưu trú trong giao tiếp và xử lý công việc. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý và đánh giá của du khách. Đặc biệt trong thời đại của Internet, sự lan truyền thông tin là rất nhanh và sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của điểm đến. Do vậy ông cũng nhất trí rằng việc thành lập nhóm công tác như đề xuất của ông Ando Katsuhiro là rất cần thiết để nắm bắt nhu cầu khách và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh.
Theo ông Hải, hiện nay du khách Nhật có xu hướng chuyển từ du lịch đường dài sang các điểm đến gần hơn và đây là cơ hội cho thị trường Việt Nam với khoảng cách chỉ là 5 giờ bay thẳng. Ông Hải khẳng định, Vietnam Airlines cam kết tiếp tục duy trì và phát triển các đường bay thẳng tới Nhật Bản để thúc đẩy lượng khách qua lại giữa hai quốc gia bằng đường hàng không.
Ông Lê Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (TCDL) cho biết, nhằm tăng cường tuyên truyền quảng bá tới du khách Nhật, Tổng cục Du lịch đang xây dựng một website chuyên về xúc tiến du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật trên cơ sở nhu cầu, thị hiếu của thị trường Nhật. Trong đó, website sẽ giới thiệu những điểm đến tại Việt Nam được khách Nhật quan tâm, các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với khách Nhật, các công ty lữ hành chủ yếu đưa đón khách Nhật, các cơ sở lưu trú, điểm mua sắm… cũng như giới thiệu về văn hóa, đời sống, ẩm thực Việt Nam.
Các đại biểu nhất trí rằng một website xúc tiến du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật như vậy là rất cần thiết để thực hiện tuyên truyền quảng bá hướng trực tiếp tới thị trường Nhật; và cũng lưu ý website cần được cập nhật thông tin thường xuyên, tuyên truyền có trọng tâm trọng điểm theo mùa, theo các chương trình sự kiện. Nhất là khi người dân Nhật ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, việc cung cấp các thông tin chính xác, tỉ mỉ, kịp thời là yếu tố quan trọng để họ có thể đưa ra quyết định lựa chọn điểm đến.
Thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại Nhật – một bước đi cần thiết
Hiện nay trong 15 thị trường có lượng khách Nhật Bản đến nhiều nhất trên thế giới thì Việt Nam là nước duy nhất chưa có cơ quan đại diện du lịch tại Nhật Bản. Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến cho công tác xúc tiến du lịch Việt Nam đối với thị trường Nhật Bản chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ở góc độ quản lý Nhà nước về du lịch, ông Lê Tuấn Anh cho biết, hiện nay Tổng cục Du lịch đang chuẩn bị đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Nhật Bản. Đây cũng là nội dung đã nằm trong kế hoạch công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2012. Việc thành lập văn phòng nhằm thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2013; tăng cường sự hiện diện của du lịch Việt Nam tại Nhật Bản; đáp ứng nhu cầu thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho du khách ngay tại Nhật Bản; và góp phần thực hiện mục tiêu đón được 1 triệu lượt khách Nhật vào năm 2015.
Để thúc đẩy quá trình này, phía Nhật Bản đã thành lập Ủy ban vận động cho việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch của Việt Nam tại Nhật Bản (gọi tắt là Ủy ban của Nhật). Theo ông Aoyaki – trưởng đại diện Ủy ban của Nhật và trưởng ban thư ký BTC Lễ hội Vietnam Festival tại Nhật, hiện nay tại Nhật Bản có tới 83 cơ quan truyền thông liên quan đến du lịch của các nước, trong đó có 17 cơ quan của Châu Á. Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia, Lào và Philippines là những nước Đông Nam Á đã có văn phòng đại diện du lịch ở Nhật Bản. Người dân Nhật Bản đang ngày càng quan tâm tới Việt Nam, tuy nhiên chưa có một tổ chức nào đứng ra tập trung tất cả những thông tin liên quan tới Việt Nam. Do vậy, công tác tuyên truyền quảng bá về Việt Nam chưa mang lại hiệu quả thật sự. Ông Aoyaki cho rằng, cùng với việc tạo nền tảng thống nhất thông tin về Việt Nam tại Nhật Bản và hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước thì việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Nhật Bản là một bước đi rất quan trọng để hoàn thành được mục tiêu này.
Rõ ràng, ngành du lịch Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất lớn để thực hiện được mục tiêu đón 1 triệu lượt khách Nhật Bản vào năm 2015. Việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Nhật Bản là thực sự cần thiết và quan trọng để góp phần biến mục tiêu này trở thành hiện thực. Hy vọng rằng cùng với quyết tâm chính trị lớn của cả hai phía Việt Nam – Nhật Bản, sự ủng hộ mạnh mẽ của JICA, sự quan tâm, mong muốn và sẵn sàng hợp tác của các công ty lữ hành của hai nước chuyên tổ chức tour đón khách Nhật Bản tới Việt Nam, văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Nhật Bản sẽ được ra đời vào đầu năm 2013 như dự kiến, qua đó thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nhật và thúc đẩy hoàn thành mục tiêu đón 1 triệu lượt du khách Nhật tới Việt Nam vào năm 2015.
Bài, ảnh: Truyền Phương (TTTTDL)