Mặc dù năm
nay không phải năm chẵn nhưng với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên,
nhiều cấp, nhiều ngành trong tỉnh đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động của
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay.
Việc làm
này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc giáo dục cho mọi thế hệ con dân đất
Việt nhớ về các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Thông qua đó cũng giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố
khối đại đoàn kết dân tộc trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
của dân tộc Việt Nam. Lễ hội đền Hùng năm nay, là năm đặc biệt khi những câu
hát từ thuở Vua Hùng dựng nước đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi
vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương” cũng đang trong những công đoạn chuẩn bị để trình UNESCO công nhận
là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự
hào của riêng Phú Thọ mà còn là niềm tự hào của bất cứ ai có dòng máu Lạc Hồng
đang chảy trong huyết quản của mình.
Nhằm làm
tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong mùa lễ hội năm nay, Khu di tích lịch sử
Đền Hùng đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ cơ sở vật chất, tinh thần phục
vụ cho lễ hội. Một nội dung quan trọng đã được Khu di tích chuẩn bị đó là: chủ
trì xây dựng kịch bản “Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu
Cơ ngày 6/3 âm lịch”; rước kiệu của các xã, phường trong khu vực di tích về
Đền Hùng ngày 8/3 âm lịch và đặc biệt là Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua
Hùng ngày 10/3 âm lịch trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Cùng đó, Khu di tích còn tích cực phối hợp với Sở VHTTDL Phú Thọ xây dựng
chương trình chi tiết các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao phục
vụ trong suốt cả quá trình lễ hội.
Vào những
ngày này, con cháu Vua Hùng từ khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước
ngoài đều hướng về Nghĩa Lĩnh. Biết bao người không quản đường xá xa xôi, đã về
với cội nguồn để thắp nén tâm nhang, tri ân công đức tổ tiên. Trong đó có nhiều
đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách trong nước, quốc tế, đòi
hỏi phải có sự chuẩn bị, đón tiếp chu đáo. Để chủ động tổ chức các hoạt động
này, Khu di tích đã xây dựng kế hoạch, phân công công việc cho từng cán bộ công
nhân để tổ chức đón tiếp, phục vụ các đoàn về thăm viếng và trồng cây lưu niệm
tại di tích lịch sử Đền Hùng đảm bảo an toàn, trang trọng, tiết kiệm và thành
kính.
Để phần hội
trong những ngày này được thực hiện tưng bừng, náo nhiệt nhưng phải vui tươi,
lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, kết hợp hài hoà giữa các hoạt động văn hoá dân
gian truyền thống và hiện đại có sức lan tỏa rộng rãi, Khu di tích lịch sử Đền
Hùng đã xây dựng kế hoạch để chủ trì và tổ chức các hoạt động văn hoá dân gian
như: đánh trống đồng, múa sư tử, hát Xoan tại khu vực bức Phù điêu Bác Hồ nói
chuyện với cán bộ chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong; tổ chức triển lãm ảnh với
chủ đề "Các di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến Thời đại Hùng Vương ở
Việt Nam" tại nhà Bảo tàng Hùng Vương. Một hoạt động không thể thiếu trong
lễ hội đó là phần rước kiệu. Năm nay, Khu di tích tiếp tục phối hợp với thành
phố Việt Trì, huyện Lâm Thao để hướng dẫn và tổ chức cho các xã, phường, thị
trấn rước kiệu về Đền Hùng. Trong đó: ngày 6/3 âm lịch, xã Chu Hóa tổ chức
rước kiệu trong Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân; ngày 8/3 âm lịch, xã Hy Cương,
Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, phường Vân Phú (thành phố Việt Trì) và xã Tiên Kiên
(Lâm Thao) rước kiệu về Đền Hùng; ngày 10/3 âm lịch, thị trấn Hùng Sơn
(huyện Lâm Thao) rước kiệu lễ vật phục vụ Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua
Hùng.
Để du khách
thuận lợi trong các hoạt động khi hành hương về Giỗ Tổ, Khu di tích lịch sử Đền
Hùng tiến hành quy hoạch, sắp xếp bố trí các địa điểm bán hàng lưu niệm và các
hoạt động dịch vụ, bố trí thêm lực lượng hướng dẫn đồng bào về dự lễ hội. Cùng
với các đơn vị kiểm tra, duy tu sửa chữa kịp thời các tuyến đường nội bộ, các công
trình công cộng; hệ thống điện, nước; bổ sung biển chỉ dẫn và đảm bảo công tác
vệ sinh môi trường trong khu vực Đền Hùng trước, trong và sau thời gian tổ chức
lễ hội, phấn đấu hoàn thành các bãi để xe trước dịp lễ hội.
Đáp ứng nhu
cầu dịch vụ của du khách về hành hương, Trung tâm Dịch vụ Du lịch Đền Hùng
thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được thành lập với chức năng hướng dẫn,
vận chuyển khách tham quan, dịch vụ lưu trú và hoạt động kinh doanh bán hàng,
dịch vụ ăn uống. Tuy mới thành lập, nhưng Trung tâm đã trở thành địa chỉ tin
cậy cho du khách. Trung tâm đã đầu tư xây dựng khu nhà nghỉ với 20 phòng đầy đủ
tiện nghi, đạt tiêu chuẩn và nhà hàng có sức chứa khoảng 800 khách. Ngoài ra,
Trung tâm còn liên kết với các cơ sở sản xuất và cung ứng các mặt hàng được
khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là các mặt hàng đặc trưng của đất Tổ, đầu tư xây
dựng thêm một số quầy hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào và du khách
trong việc mua sắm hàng hóa.
Hy vọng với
sự chuẩn bị tích cực và chu đáo của Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ góp phần
vào thành công của mùa lễ hội năm nay.