Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Năm du lịch Quốc gia
duyên hải Bắc Trung bộ – Huế 2012 và Festival Huế 2012, nhiều sản phẩm du lịch
độc đáo phục vụ du khách sẽ được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức,
trong đó đặc sắc nhất phải kể đến tour du lịch “Hương xưa làng cổ” với điểm
nhấn là làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa
Thiên – Huế.
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 42km về phía bắc, Phước
Tích là một ngôi làng cổ được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu hiền hòa, uốn cong
hình móng ngựa. Theo sử sách và gia phả các dòng họ ở làng ghi lại, Phước Tích do
hầu tước Hoàng Minh Hùng (người Cẩm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lập
ra từ năm 1470, dưới thời Vua Lê Thánh Tông. Trước kia, làng được gọi là Cồn
Dương, sau mới đổi sang tên Phước Tích (với ý nghĩa là "tích phước").
Với lịch sử trên 500 năm, trải qua nhiều biến đổi, thăng trầm của lịch sử,
Phước Tích vẫn bảo tồn được khá nguyên vẹn những đặc trưng của một làng Việt cổ
xứ Huế với quần thể kiến trúc nhà rường độc đáo, nhiều vật dụng dân dã, các
nghề truyền thống và đặc biệt là các lễ hội dân gian được lưu truyền qua nhiều
thế hệ.
Hiện nay, làng Phước Tích có 27 nhà rường cổ, đa số là nhà 3
gian 2 chái và 17 nhà thờ họ, trong đó 12 nhà rường đã được xếp vào danh sách
các công trình có giá trị văn hóa đặc biệt cần được bảo tồn. Nhà rường cổ tại
Phước Tích hấp dẫn bởi vẻ đẹp dung dị, đơn sơ mà không kém phần trang nhã với
kiến trúc nhà ở truyền thống có niên đại trên 150 năm, phản ánh sự giao thoa
giữa kiến trúc dân gian và kiến trúc cung đình Huế. Bên trong những ngôi nhà này
còn lưu giữ rất nhiều vật dụng có từ hàng trăm năm trước như: bàn ghế, tràng
kỷ, bô ngựa (phản), tủ, bình vôi, mâm uống rượu, mâm ăn bằng gỗ, các loại hũ,
lọ đựng mắm muối, lu đựng nước... Đặc biệt, mỗi nhà đều có khu vườn rộng khoảng
1.000 - 1.500m², trồng các loại cây ăn trái theo mùa. Bao quanh nhà là hàng rào
chè tàu được cắt tỉa thẳng tắp. Trong làng còn có cây thị gần 1.000 năm tuổi,
cây hoàng lan trên 100 năm tuổi hay những cây mai, tùng, mít, bồ quân, trần bì,
bàng, bẹ… cổ thụ vẫn đang được người dân Phước Tích giữ gìn như tài sản vô giá.
Bên cạnh đó, làng Phước Tích còn có hàng chục ngôi đình, đền,
chùa, miếu thờ mang đậm nét tâm linh của cư dân làng cổ Việt Nam như: đình
làng Trung, đền Văn Thánh, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Đôi, miếu Quang
Tế và các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang (người Chăm),...
Phước Tích còn được biết đến như làng gốm nổi tiếng với một
số di tích lò gốm cổ trên 500 năm tuổi. Sản phẩm gốm Phước Tích đã có mặt trong
đời sống sinh hoạt của người dân khắp miền Trung. Không chỉ sản xuất các sản
phẩm gia dụng như: chách, chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum,
ghè, thạp, thống..., gốm Phước Tích còn được sử dụng trong hoàng cung triều
Nguyễn với nhiều cổ vật tinh xảo, đến nay vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ
thuật cung đình Huế.
Để phục vụ tour du lịch “Hương xưa làng cổ”, tỉnh Thừa Thiên
– Huế đã phối hợp với Trường Đại học Nghệ thuật Huế thực hiện đề tài khoa học
“Nghiên cứu, phát triển một số mẫu mã sản phẩm gốm truyền thống đặc trưng của làng
gốm Phước Tích” nhằm giúp những người thợ gốm làng Phước Tích thiết kế và thử
nghiệm các mẫu mã gốm mới; đồng thời chuyển đổi dòng sản phẩm gốm dân dụng sang
dòng gốm trang trí, ứng dụng có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao. Ngoài ra, Cơ quan
Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật
Bản) hỗ trợ và đào tạo nghề cho 20 người dân Phước Tích nhằm sản xuất các mẫu
gốm mới dựa trên kỹ thuật truyền thống để giới thiệu tại Festival Huế 2012.
Đặc biệt, bên cạnh nghề gốm Phước Tích, tour du lịch còn
quảng bá các nghề thủ công truyền thống một thời nổi tiếng ở huyện Phong Điền
như: nghề điêu khắc, nghề đan đệm bàng, nghề bún và giới thiệu một số món ăn dân
dã đặc trưng như: bánh gạo, vả trộn bánh tráng, tương... Đến với tour du lịch
này, du khách còn được giới thiệu về các lễ hội, tham gia các trò chơi dân gian
truyền thống và thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc như: múa dật, hát sắc
bùa, hò ô, hò giã gạo...
Tour du lịch “Hương xưa làng cổ” sẽ giúp người dân và du
khách hiểu hơn những giá trị văn hóa, lịch sử của làng cổ Phước Tích, từ đó nâng
cao ý thức bảo tồn di sản, từng bước đưa làng trở thành điểm du lịch về nguồn
hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng đất cô đô.
Phạm Phương (TTTTDL)