Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi đã chủ trì hội nghị thông qua dự thảo Chương trình phát triển kinh tế biển của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
Vùng biển, hải đảo và ven biển tỉnh Kiên Giang bao gồm 9 huyện, thị, thành phố, là vùng có tiềm năng kinh tế rất phong phú, có khả năng phát triển mạnh các ngành thủy sản, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, đóng tàu và du lịch. Đồng thời còn là cửa ngõ giao thương kinh tế trong và ngoài nước với hai khu kinh tế cửa khẩu Dương Đông (Phú Quốc), Hà Tiên và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tạo thuận lợi lớn về thương mại, dịch vụ du lịch. Vì vậy, Chính phủ đã xác định Kiên Giang là địa bàn trọng điểm về bảo vệ an ninh biên giới vùng biển và là một trong những địa bàn tiềm năng lớn về du lịch. Đặc biệt, đảo Phú Quốc được định hướng phát triển thành trung tâm du lịch sinh thái và trung tâm giao thương quốc tế.
Những năm qua, kinh tế biển của Kiên Giang đang có bước phát triển khá toàn diện. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, các ngành nghề khai thác tiềm năng biển, ven biển và hải đảo cả về sản lượng và giá trị không ngừng gia tăng. Năm 2011, toàn tỉnh có 12.500 phương tiện khai thác với công suất 1.567.220CV, bình quân 127,9 CV/chiếc; sản lượng thủy sản khai thác hàng năm đều tăng, năm 2011 đạt 396.600 tấn, so với năm 2006 tăng 84.982 tấn.
Hệ thống cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá được tập trung đầu tư xây dựng như: cảng An Thới, Dương Đông, Thổ Châu (Phú Quốc); Nam Du (Kiên Hải); Tô Châu (Hà Tiên); Tắc Cậu (Châu Thành) đã đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhanh, hình thức nuôi đa dạng, như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá lồng bè trên biển, nghêu, sò vùng bãi triều, cá nước ngọt, nước lợ vùng ven biển, rừng ngập mặn. Năm 2011, diện tích nuôi trồng đạt 153.920ha, sản lượng 110.498 tấn…
Đến nay, 100% số xã thuộc hải đảo, biên giới, ven biển có trạm y tế, trong đó có 90% đạt chuẩn quốc gia; 83,3% số ấp có tổ y tế; trên 87% trạm y tế có bác sĩ. Bố trí dân cư vào các vùng dự án cơ bản đạt yêu cầu. Hiện đã bố trí di giãn dân vào các vùng dự án 1.876 hộ, 7.296 khẩu với 4.945 lao động. Đời sống nhân dân ven biển, trên các đảo từng bước được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Mục tiêu phát triển kinh tế biển đến năm 2015 của Kiên Giang là tập trung đầu tư có hiệu quả các ngành có lợi thế như thủy sản, du lịch, vận tải biển, dịch vụ nghề cá, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản… tạo tiền đề để Kiên Giang sớm trở thành tỉnh mạnh về biển với tốc độ phát triển nhanh, bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo quốc phòng -an ninh; tăng cường hợp tác quốc tế gắn phát triển kinh tế biển với giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng người lao động, chăm sóc sức khoẻ người dân…