Liên kết phát triển du lịch đường bộ Việt Nam - Thái Lan
Cập nhật: 23/10/2007
Vừa qua, đoàn cán bộ của Cơ quan quản lý Du lịch quốc gia Thái Lan do ông Auggaphol Brickshawana, Phó ban Chính sách - Kế hoạch dẫn đầu sang làm việc với Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, bàn việc liên kết phát triển du lịch đường bộ giữa Việt Nam - Thái Lan trong thời gian tới.
Đây là hướng mở mới cho sự phát triển du lịch Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Đà Nẵng, thành phố xinh đẹp soi bóng bên dòng sông Hàn thơ mộng, trong quá trình hội nhập đã trở thành cầu nối quan trọng trên hành lang phát triển xuyên Á. Đây là một vị thế rất quan trọng, bởi vì khái niệm hành lang phát triển được nhận thức như là tổng thể các hệ thống giao thông (vận tải và viễn thông), hệ thống trao đổi (thương mại, đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, dòng chảy thông tin...), nối liền các trung tâm phát triển có mối quan hệ tương hỗ và hợp vận. Hay nói cách khác, các hành lang phát triển là những biện pháp, những hình thức mới trong quá trình hội nhập.
Thành phố Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng cho vị trí nằm trên bao lơn biển Đông, một thời đã là cầu nối giữa lục địa và hải đảo, thì ngày nay lại gia nhập hành lang phát triển theo hướng hiện đại. Việc nối hệ thống đường không, đường biển và đường bộ, Đà Nẵng sẽ kéo cả Đông Nam Á liên kết, chung tay phát triển ngành du lịch. Hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng có 10 doanh nghiệp khai thác các tour du lịch đường bộ hoạt động tương đối có hiệu quả. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2007, đã đưa đón khoảng 20.000 lượt khách du lịch bằng đường bộ từ Thái Lan sang (số lượng tăng gấp đôi so với cả năm 2006). Điều này chứng tỏ rằng, thời gian gần đây, người dân hai nước Thái Lan và Việt Nam (nhất là vùng đông bắc Thái Lan và khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Việt Nam) thực sự có nhiều cố gắng tích cực đáp ứng nhu cầu du lịch, giao lưu, qua lại với nhau.
Hiện nay, Đà Nẵng mới chỉ có một đường bay trực tiếp đến Băng Cốc với tần suất 3 chuyến/tuần. Do vậy các tour du lịch bằng đường bộ sẽ là một thế mạnh đầy tiềm năng giữa hai nước. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là phải làm như thế nào để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tiềm năng đó phát triển đúng hướng, đáp ứng mục tiêu chung của hai nước về ngành du lịch. Đầu tháng 9 năm 2007, công ty Vitour đã tổ chức thành công chuyến du lịch Caravan bằng đường bộ cho hơn 120 khách đi qua địa phận 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan.
Trong buổi làm việc với đoàn cán bộ du lịch Thái Lan, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đề xuất: Ngành du lịch của mỗi nước cần kiến nghị với Chính phủ giải quyết những vướng mắc đang tồn tại để du lịch phát triển ổn định và bền vững. Trước mắt, sớm ký Hiệp định về đường bộ để thuận lợi cho việc giao thông đi lại; mở rộng các loại hình quảng bá, dịch vụ, chương trình hợp tác du lịch giữa các điểm du lịch vùng đông bắc Thái Lan và khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Việt Nam, trên cơ sở có lợi cho cả hai nước. Việt Nam - Thái Lan cũng cần nhanh chóng xúc tiến các cuộc trao đổi kinh nghiệm, thị trường với nhau giữa các tổ chức doanh nghiệp và chính quyền các địa phương... Du lịch bằng đường bộ giữa hai nước phát triển, du khách không chỉ được tham quan các danh lam, thắng cảnh, những di tích, mà còn làm sống lại những làng nghề cổ truyền, bản sắc văn hoá địa phương được bảo tồn và phát triển.
Sau chuyến khảo sát miền Trung - Tây Nguyên Việt Nam bằng đường bộ qua đường 9, ông Auggaphol Brickshawana đã cho biết: Đây chính là tiền đề và cơ hội tốt góp phần thúc đẩy hai nước phát triển mạnh về du lịch đường bộ. Theo thỏa thuận, ngoài việc tiếp tục mở rộng mối quan hệ, hợp tác quảng bá du lịch bằng nhiều kênh khác nhau, hai bên cần hoạch định chiến lược đầu tư trước mắt và lâu dài về khả năng trao đổi khách du lịch giữa hai nước đến với nước thứ ba. Ngành du lịch hai nước cần tăng cường hợp tác, giúp đỡ nhau đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp thông thạo cả tiếng Việt và tiếng Thái. Được như vậy, đây sẽ là cơ sở giúp du lịch bằng đường bộ của miền Trung - Tây Nguyên phát triển thực sự có tính chuyên nghiệp. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật của các tỉnh sẽ được phát triển, tạo ra tiếng nói chung, không còn manh mún. Ngoài ra, việc liên kết cũng sẽ đưa ra được các tiêu chuẩn xếp hạng các cơ sở dịch vụ và du lịch.
Liên kết phát triển du lịch bằng đường bộ với Thái Lan (một đất nước hiện đã thiết lập văn phòng đại diện du lịch ở 23 nước trên thế giới), chắc chắn sẽ mở ra hướng phát triển du lịch đầy tiềm năng. Với nhiều di sản văn hoá thế giới nổi tiếng (Phong Nha-Kẻ Bàng, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn...), các danh lam, thắng cảnh (Non Nước, Cửa Đại, Mũi Né, Buôn Đôn...) và thế mạnh của mình, miền Trung - Tây Nguyên thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách muôn phương.
QĐND
|
|
|