Huyện đảo Cô Tô được đánh
giá là giàu tiềm năng phát triển du lịch bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với
những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp. Để phát huy giá trị tiềm năng về kinh tế biển
đảo, Cô Tô đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng hướng tới bền vững.
|
Đảo
Cô Tô ngày càng hấp dẫn du khách
|
Trong
những năm gần đây, Cô Tô ngày càng trở thành một địa chỉ quen thuộc của du
khách mỗi khi đến với Quảng Ninh. Cô Tô được thiên nhiên ban tặng cho nhiều
cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà ít nơi có được. Nơi đây có những bãi tắm
đẹp, dài hàng chục ki-lô-mét, cát trắng mịn, còn hoang sơ hoà vào làn nước biển
xanh trong như bãi Vàn Chảy nằm phía tây đảo, bãi Hồng Vàn nằm phía đông của
đảo. Đảo Cô Tô còn hoang sơ, kỳ bí với khu Cầu Mỵ gồm nhiều dải đá chạy dài
hướng ra biển lớn tạo nên khung cảnh vô cùng tuyệt đẹp, hấp dẫn du khách mỗi
khi đến đây.
Để
khai thác hiệu quả tiềm năng đồng thời gìn giữ bản sắc văn hoá và mang lại lợi
ích trực tiếp cho người dân địa phương, huyện Cô Tô đang tập trung phát triển
du lịch cộng đồng hướng tới bền vững, dựa trên tiềm năng và khắc phục những khó
khăn về cơ sở hạ tầng hiện tại trên đảo.
Cô
Tô xây dựng chương trình du lịch cộng đồng bằng nhiều dịch vụ hấp dẫn như được
tham quan khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của
người dân nơi đây. Du khách sẽ được bố trí đến ở tại nhà dân để trải nghiệm
cuộc sống, tham gia đánh cá, câu mực... như những ngư dân thực thụ; tham gia
các hoạt động tập thể như đốt lửa trại, hoạt động xã hội, tình nguyện trên địa
bàn huyện đảo.
Cô
Tô có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, bởi ngoài tiềm năng vốn có
của địa phương, người dân nơi đây rất thân thiện, hiếu khách. Du lịch cộng đồng
sẽ tăng cường tính đoàn kết giữa doanh nghiệp du lịch và người dân, đem lại cho
nhiều gia đình thêm nhiều khoản thu nhập. Nhưng, điều quan trọng nhất là việc
phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn các giá trị văn hoá, vẻ đẹp tự nhiên
của địa phương để phát triển bền vững.
Để
làm được điều này, trong năm qua huyện đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư,
nâng cấp hệ thống giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch.
Năm 2010, tàu cao tốc chất lượng được đưa vào sử dụng, giao thông đến đảo Cô Tô
không còn gặp khó khăn như trước. Nếu đi tàu cao tốc, du khách chỉ mất khoảng
1,5 giờ là đã được đặt chân lên đảo.
Trong
mùa hè 2012, UBND huyện Cô Tô tiếp tục đầu tư thêm 1 con tàu cao tốc vỏ hợp kim
nhôm trị giá hơn 30 tỷ đồng sẽ góp phần rút ngắn hơn nữa thời gian tàu chạy từ
Vân Đồn ra Cô Tô.
Hệ
thống thông tin trên đảo cũng được đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu liên lạc của du
khách. Sau khi Viettel phủ sóng internet 3G năm 2010, vào tháng 2/2012, Cô Tô
chính thức hoàn thành phủ sóng wifi toàn huyện và trở thành huyện đảo đầu tiên
trong cả nước phủ sóng wifi toàn huyện. Điều này càng làm cho Cô Tô gần với đất
liền hơn.
Nhằm
khắc phục khó khăn về vấn đề điện, nước của Cô Tô, hiện tại tỉnh đang đầu tư,
triển khai 2 dự án lớn đó là dự án đưa điện lưới ra Cô Tô và dự án hồ chứa nước
ngọt Trường Xuân. Từ ngày 30/4/2012, huyện sẽ chạy máy phát điện 22h/ngày để
phục vụ du khách.
Công
tác vệ sinh môi trường cũng được tăng cường nhằm giữ gìn cảnh quan môi trường
cho đảo. Trên địa bàn luôn có từ 20-30 lao động thu gom rác thải. Tại xã đảo
Thanh Lân, rác sẽ được vận chuyển bằng thuyền rồi tập kết và đưa vào xử lý bằng
hệ thống đốt rác hiện đại.
Bên
cạnh đó, để giúp cho nhân dân hiểu được về kỹ năng phục vụ khách du lịch khi
tham gia vào chương trình du lịch cộng đồng, huyện đã cử các cán bộ của huyện,
cán bộ, nhân viên của nhiều công ty lữ hành tới từng hộ gia đình tuyên truyền,
hướng dẫn cho người dân các kỹ năng phục vụ như việc giao tiếp, nấu ăn, vệ
sinh, xây dựng đội văn nghệ… Ngoài ra, tham gia vào chương trình du lịch cộng
đồng, người dân sẽ được hỗ trợ kinh phí để xây dựng sửa chữa nhà cửa, một phần
phụ phí sinh hoạt ăn uống khi có khách đến ở.
Trao
đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Công ty Du lịch Hải Châu -
Cô Tô cho biết: Du lịch cộng đồng mới chỉ phát triển ở Việt Nam từ năm
1997. Trên thế giới đây là mô hình được nhiều nước áp dụng để phát triển du
lịch bền vững. Lợi ích của việc phát triển du lịch tại Cô Tô từ chỗ người dân
địa phương không biết “du lịch” là gì, thì nay đã có thể tham gia hoạt động du
lịch, cải tạo nhà ở để có thể đón tiếp khách nghỉ đêm, nấu các món ăn phục vụ
khách du lịch, kỹ năng đón tiếp khách du lịch và đặc biệt là có thu nhập đáng
kể từ các hoạt động dịch vụ du lịch mang lại. Đời sống của cộng đồng cư dân
ngày càng được cải thiện và nâng cao, quan trọng hơn cả là chính người dân đã
góp phần giữ gìn bảo vệ huyện đảo theo hướng phát triển bền vững.
Một
trong những thành công của du lịch cộng đồng đó là năm 2011, chương trình “Hành
trình vì biển đảo quê hương” đã được tổ chức thành công, đem lại kỷ niệm, cảm
xúc đáng nhớ cho gần 600 đoàn viên, thanh niên. Tiếp nối thành công đó, năm
2012 Cô Tô trích 1 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ các đoàn tham gia hành trình “Vì
biển đảo quê hương”. Cô Tô kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, các trường học trên
toàn quốc tham gia hành trình “Vì biển đảo quê hương” với hình thức hỗ trợ 1
lượt vé tàu cao tốc. Năm nay với quy mô được mở rộng, Cô Tô dự tính có khoảng
5.500 đoàn viên thanh niên sẽ tham gia với 50 chuyến “Hành trình vì biển đảo
quê hương”.
Với
sự tập trung đầu tư mọi nguồn lực từ các cấp chính quyền, thành phần kinh tế có
thể thấy việc phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp cho Cô Tô hoàn thiện hơn về
chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển du lịch hướng tới bền vững. Tương lai
không xa đây sẽ là mô hình hay, cách làm hiệu quả giúp cho nhiều hộ gia đình
huyện đảo thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trước mắt, mục tiêu của Cô Tô trong
dịp hè năm 2012 là sẽ phấn đấu đón khoảng 12.000 lượt khách.