Từ đầu năm đến nay, các điểm du lịch ở tỉnh Đồng
Tháp đã đón trên 730.000 lượt khách tham quan, trong đó có trên 19.000 lượt
khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch của tỉnh đạt 81 tỷ đồng, tăng 18,28% so
với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch đến
Đồng Tháp chủ yếu là tham quan Khu Di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc -
thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, làng hoa Sa
Đéc, các khu du lịch sinh thái như Vườn Quốc gia Tràm Chim, rừng tràm Gáo
Giồng, Xẻo Quít...
Các điểm du lịch sinh thái ở Đồng Tháp đang ngày càng hấp dẫn du khách bởi môi
trường sinh thái tự nhiên trong lành với rất nhiều loài động vật quý hiếm, trong
đó có Vườn Quốc gia Tràm Chim. Đây là khu Ramsar thứ tư của Việt
Nam
- vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về mặt đa dạng sinh học và bảo
tồn và
là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới.
Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) có diện tích khoảng 1.700ha,
trong đó có 250ha rừng tràm nguyên sinh cùng với những bưng trấp, lung, bàu và
các loài thủy sinh thiên nhiên. Ngoài các loài chim quý quen thuộc như trích
mồng đỏ, cồng cộc, le le, diệc, vịt trời...
Theo Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng, vườn cò ở Gáo Giồng hiện có số lượng cò
trắng lớn nhất ở vùng Đồng Tháp Mười, đặc biệt năm nay có hàng nghìn con cò ốc
về sống, làm tổ và sinh sản.
Cò ốc thuộc họ hạc, tên khoa học là Anastomus oscitans, có trọng lượng từ
1-1,2kg/con, loài này nằm trong sách đỏ Việt Nam vì có nguy cơ tuyệt chủng.
Cò ốc là loài chim quý hiếm, chúng thường sống bầy đàn ở các khu rừng nguyên
sinh, vùng ngập nước Đông Nam Á, thức ăn chủ yếu là các loại ốc, động vật thủy
sinh như ếch, nhái, cua... Hiện, Ban quản lý đang tăng cường bảo vệ loài chim
quý này để phục vụ du lịch, nghiên cứu.
Để phát huy tiềm
năng du lịch, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai kế hoạch phát triển du lịch đến năm
2015, với mục tiêu mỗi năm đón 2,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 47.000
lượt khách quốc tế, 553.000 lượt khách nội địa, 1,5 triệu lượt khách hành
hương, doanh thu du lịch đạt 360 tỷ đồng.