Cù
Lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp, cách Tp. Hội An gần 20km về phía Đông. Quần
đảo Cù Lao Chàm gồm 8 hòn đảo: hòn Lao (đảo lớn nhất, đông dân nhất),
hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Tai, hòn Dài, hòn Lá, hòn Mồ và hòn Ông.
Với
diện tích gồm 1.549ha rừng tự nhiên và 6.716ha mặt nước, nơi đây có địa
hình đồi núi và thảm thực vật đã được tái tạo xanh tốt, với nhiều loài
sinh vật như: rong, tảo, cỏ biển; san hô; khoảng trên 200 loài cá…các
bãi biển cát vàng sạch mịn với những khối đá làm nên nhiều cảnh quan độc
đáo… Điều hấp dẫn du khách đến với Cù Lao Chàm ngoài những giá trị về
hệ sinh thái đa dạng trên rừng dưới biển, thì môi trường xanh - sạch, sự
thân thiện, dễ mến của con người nơi đây khiến bất cứ du khách nào khi
đến đây đều muốn được quay trở lại.
Ở
Cù Lao Chàm, du lịch không còn là chuyện của riêng ai. Trong những năm
gần đây, chính quyền xã Tân Hiệp đã tập trung chấn chỉnh, sắp xếp lại
trật tự kinh doanh buôn bán; giữ gìn vệ sinh môi trường; giải quyết
triệt để nạn cò mồi; đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm,
các dịch vụ tại đảo…Điển hình là việc đến chợ hải sản, du khách sẽ nghe
thấy nhiều lời mời chào, nhưng không có hiện tượng kéo tay, kéo áo mua
hàng. Người dân và các lực lượng chức năng phối hợp thường xuyên để kiểm
tra, sẵn sàng ứng phó ngăn chặn và đẩy lùi nạn đánh bắt hải sản bằng
thuốc nổ, gây mất an toàn ở vùng biển này…
Một
điểm khác biệt nữa ở Cù Lao Chàm mà bất kì ai đến đây cũng có thể nhận
ngay thấy, đó là trên đảo không hề thấy sự xuất hiện của túi nilon. Từ
giữa năm 2009, khi chương trình "Nói không túi nilon" được phát động,
cho đến nay, các hộ dân nơi đây đồng lòng tẩy chay không chỉ túi nilon
mà còn cả những những chất gây hại môi trường và có nguy cơ ảnh hưởng
tới các thế hệ con cháu sau này. Thậm chí ở chợ còn có tấm bảng với khẩu
hiệu “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ” và hình minh họa
nói không với túi nilon, đủ thấy quyết tâm của những người dân Cù Lao
Chàm thế nào.
Hướng
dẫn viên mỗi khi đưa khách du lịch tới đảo thường nhắc du khách vui
lòng không mang túi nilon lên đảo, không lấy bất kỳ thứ gì từ biển trong
lúc tắm biển và lặn biển, không nên nghe lời gạ gẫm mua cua đá của một
ngư dân nào đó vì cua đá là động vật cần được bảo vệ.
Cù
Lao Chàm đã được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm
2009. Đây cũng là cơ hội tốt để Cù Lao Chàm có tên trên bản đồ du lịch
thế giới. Trải qua thời gian, Cù Lao Chàm vẫn giữ vẹn nguyên vẻ đẹp
nguyên sơ, xanh biếc của đảo và những người dân ở đây vẫn thật thà, hồn
hậu, chất phác và luôn có ý thức cao trong việc gìn giữ môi trường sống
của đảo. Và chính những nét độc đáo đó đã và đang thu hút sự quan tâm,
chú ý của du khách trong và ngoài nước đến nơi này.
Hương Lê (TTTTDL) biên tập