Khơi dậy tiềm năng du lịch Hưng Yên
Cập nhật: 16/07/2012
(TITC) - Hưng Yên có diện tích tự nhiên 923,09km², nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, liền kề Thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Thế kỷ 16, 17, Hưng Yên là trung tâm của trấn Sơn Nam, có thương cảng Phố Hiến – một thương cảng lớn nhất ở Đàng Ngoài. Nơi đây nổi tiếng với câu ca “Thứ nhất kinh kì, thứ nhì Phố Hiến”, từng được ví như một “Tiểu Tràng An” của Việt Nam với 23 phố phường. Hiện, toàn tỉnh có hơn 1.210 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 159 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 103 di tích được xếp hạng cấp tỉnh cùng hàng ngàn tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị. Tiêu biểu là các cụm di tích danh thắng Phố Hiến (TP. Hưng Yên), Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (huyện Yên Mỹ), Phù Ủng – thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão (huyện Ân Thi), Tống Trân – Cúc Hoa (huyện Phù Cừ), Đa Hòa – Dạ Trạch (huyện Khoái Châu), đình Đại Đồng và chùa Nôm (huyện Văn Lâm)…

Bên cạnh đó, Hưng Yên còn là vùng đất có rất nhiều đặc sản nổi tiếng như: nhãn lồng, hạt sen, chè hạt sen long nhãn, bún thang thế kỷ, ếch om phượng tường, tương bần, cam đường canh, bánh rănh bừa, bánh cuốn… Ngoài ra, nơi đây còn có các làng nghề truyền thống như: làng đúc đồng Đại Đồng, làng chạm bạc Phù Ủng, làng nghề mây tre đan, dệt thảm, thêu ren; các loại hình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: hát trống quân, hát chèo, hát Ca trù…    

Hiện nay, Hưng Yên đang tập trung phát triển một số loại hình du lịch như: du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa, du lịch lễ hội dân gian truyền thống, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh (với tour du lịch sông Hồng: Phố Hiến – Đa Hòa Dạ Trạch – Làng gốm Bát Tràng).  

Kết quả chưa cân xứng với tiềm năng  

Tính đến hết quý I/2012, toàn tỉnh Hưng Yên có 153 cơ sở lưu trú với khoảng 1.792 phòng, trong đó có 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 12 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao và 132 cơ sở đạt tiêu chuẩn tối thiểu. Đến nay, Hưng Yên đã thu hút được 48 dự án đầu tư dịch vụ du lịch với tổng số vốn gần 5.800 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương. Năm 2011, ngành du lịch Hưng Yên đã đón được 185.832 lượt khách (tăng 16% so với năm 2010), trong đó khách nội địa là chủ yếu, khách quốc tế chỉ có 6.869 lượt (tăng 17% so với năm 2010). Tổng thu từ du lịch ước đạt gần 70 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2010, chiếm khoảng 1,5% trong GDP của tỉnh.  

Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được vẫn chưa cân xứng với tiềm năng và thế mạnh du lịch của tỉnh: lượng khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế đến Hưng Yên còn ít so với các tỉnh trong khu vực; doanh thu từ du lịch thấp, chưa khai thác được tiềm năng sẵn có; sản phẩm du lịch chưa phong phú; công tác xúc tiến du lịch chưa được đẩy mạnh; cơ sở hạ tầng du lịch chưa phát triển; nguồn nhân lực du lịch còn nhiều hạn chế; sự quan tâm đầu tư cho phát triển du lịch chưa được chú trọng thường xuyên…    

Phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn  

Với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khách du lịch nhiều hơn, nâng cao nguồn thu nhập từ du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng dịch vụ du lịch vào GDP của tỉnh, Hưng Yên đã đưa ra một số giải pháp phát triển du lịch địa phương trong thời gian tới như: mở rộng thị trường du lịch với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, kết hợp liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố nhằm kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch; tập trung đầu tư các khu di tích đang thu hút khách du lịch; huy động nguồn vốn trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, tạo điểm đến hấp dẫn du khách; tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực hiện có, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch…  

Tại buổi làm việc với UBND và Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên hồi tháng 6 vừa qua, sau khi nghe đại diện Sở VHTTDL tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình phát triển du lịch ở địa phương, các lợi thế cũng như những  khó khăn cần được khắc phục; đồng thời đưa ra định hướng phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã đề nghị tỉnh sớm lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, hướng tới việc xây dựng những sản phẩm du lịch có thương hiệu; đầu tư xứng đáng cho công tác quản lý về du lịch và nhanh chóng xây dựng các tour du lịch kết nối với các tỉnh lân cận, đặc biệt là Hà Nội, trong đó có tour du lịch đường sông; tập trung vào thị trường khách nội địa; đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh các khu di tích tiêu biểu của địa phương nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.  

Tổng cục trưởng cũng nêu rõ, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ Hưng Yên trong công tác nghiên cứu phát triển du lịch; quá trình khảo sát, nghiên cứu và xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; đồng thời tạo điều kiện để tỉnh tham gia một số sự kiện du lịch trong nước và quốc tế.    

Hướng tới Năm du lịch Quốc gia khu vực đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013  

Để chuẩn bị cho Năm du lịch Quốc gia khu vực đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, Sở VHTTDL Hưng Yên đã tích cực chủ động triển khai một số công việc cụ thể như: tham mưu trình UBND tỉnh đăng ký tổ chức các hoạt động du lịch trong Năm du lịch Quốc gia 2013; dự kiến tổ chức lễ hội văn hóa Đa Hòa – Dạ Trạch (huyện Khoái Châu); đăng ký Logo của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng dự kiến tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch khác nhằm hưởng ứng Năm du lịch như: lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), lễ hội đền Ủng (huyện Ân Thi) cùng một số giải thể thao: cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, cờ tướng…  

Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng cùng với những định hướng đúng đắn, kịp thời và sự hỗ trợ tích cực của Tổng cục Du lịch cùng các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, hy vọng, trong thời gian tới, ngành du lịch Hưng Yên sẽ ngày càng phát huy được những thế mạnh sẵn có, đồng thời khẳng định được vị thế của mình trong khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng và ngành du lịch cả nước nói chung.

Phạm Phương