(TITC) - Ngày 2/8/2012 tại khách sạn Bảo Sơn (Hà Nội), Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức hội thảo “Đánh giá khoảng cách việc triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) về nghề du lịch giữa các nước ASEAN”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác phát triển ASEAN – Australia (AADCP) giai đoạn 2.
Hội thảo nhằm đánh giá, so sánh chuẩn nghề, thừa nhận nghề du lịch của Việt Nam và ASEAN, đồng thời thảo luận biện pháp để thống nhất các hệ thống đào tạo, chứng chỉ nghề du lịch của quốc gia và khu vực, trên cơ sở đó tiến tới chuẩn bị các bước để các quốc gia thành viên ASEAN hợp tác triển khai đầy đủ MRA vào năm 2015.
Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp; chuyên viên cao cấp Ban Thư ký ASEAN Eddy Krismeidi; giám đốc dự án Đánh giá khoảng cách việc triển khai MRA Wayne Crosbie; đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT); đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo và dạy nghề du lịch, các khách sạn và công ty du lịch tại Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Wayne Crosbie đã giới thiệu tổng quan về MRA và dự án Đánh giá khoảng cách việc triển khai MRA do học viện William Angliss (Australia) thực hiện. Các đại biểu và chuyên gia quản lý dự án đã cùng nhau thảo luận về những thách thức và rào cản pháp lý trong việc triển khai MRA tại Việt Nam; các cơ sở đào tạo và dạy nghề du lịch có khả năng hỗ trợ triển khai MRA; các khóa học hoặc chứng chỉ về nghiệp vụ buồng khách sạn, lễ tân, thực phẩm và đồ uống, chế biến thực phẩm, đại lý du lịch và lữ hành có thể đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ MRA; các hình thức tự đào tạo có uy tín đã được ngành du lịch thừa nhận; những điều kiện đào tạo du lịch tốt nhất ở Việt Nam…
MRA được thông qua vào tháng 1/2009 tại Phiên họp các bộ trưởng du lịch ASEAN lần thứ 12 diễn ra ở Hà Nội nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường huy động lao động du lịch lành nghề trong khu vực, trao đổi thông tin về những điển hình tốt nhất trong giáo dục và đào tạo nghề du lịch giữa các quốc gia thành viên ASEAN, tạo cơ hội hợp tác và nâng cao năng lực cần thiết ở các nước ASEAN, đưa ra những yêu cầu để thu nhận dòng lao động du lịch tự do trong khu vực. Thông qua MRA, các quốc gia thành viên ASEAN đang giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong ngành du lịch của khu vực: 1) chưa có chương trình giảng dạy chung, 2) có sự chênh lệch về năng lực nguồn nhân lực du lịch giữa các quốc gia, 3) thiếu thừa nhận lẫn nhau về các kỹ năng và chứng chỉ nghề trong khu vực.
Tại Phiên họp các bộ trưởng du lịch ASEAN lần thứ 13 diễn ra ở Bandar Seri Begawan (Brunei) vào tháng 1/2010, kế hoạch hợp nhất các hoạt động cấp quốc gia và khu vực nhằm triển khai đầy đủ MRA đã được tán thành mà một trong số đó là dự án Đánh giá khoảng cách việc triển khai MRA về nghề du lịch giữa các nước ASEAN.
Thúy Hằng